Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2024.
Nhìn lại kết quả giải quyết các vụ án hành chính tính từ 1.10.2023 đến 31.7.2024 cho thấy, số vụ án được thụ lý 12.464 vụ, tăng 727 vụ. Tỷ lệ xét xử, giải quyết đạt 52,98% (tăng 3,44%). Nhận định Tòa án Nhân dân Tối cao đã có nhiều giải pháp quyết liệt, chỉ đạo tòa án các cấp khắc phục được một số tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án hành chính, công tác đối thoại trong giải quyết án được coi trọng, song Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn chỉ rõ, tỷ lệ giải quyết án và tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đáp ứng yêu cầu Quốc hội giao.
Bên cạnh đó, dù được Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng kết quả thi hành án hành chính mới chỉ đạt 38,02%. Số vụ án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng, nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án.
Chúng ta hoàn toàn đồng tình với nhận định, đây là việc mà “năm nào cũng nói” khi Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề cập đến những tồn tại trong giải quyết các vụ án hành chính. Bởi điểm nghẽn này đã được đề cập rất nhiều trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trên diễn đàn Quốc hội.
Thực tế giải quyết các vụ án hành chính cho thấy, tình trạng chủ tịch UBND, hoặc người đại diện không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa chiếm tỷ lệ lớn và kéo dài nhiều năm nay. Tại nhiều địa phương mặc dù số lượng án không nhiều, nhưng chủ tịch UBND, hoặc người đại diện vẫn thường xuyên vắng mặt… Theo quy định những bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, buộc đối tượng bị khởi kiện phải thi hành nhưng trên thực tế, không ít trường hợp, tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án do chủ tịch UBND và UBND cố tình không tự nguyện thi hành!
Án hành chính là vấn đề rất khó, rất phức tạp, không ít người có tâm lý “dân kiện quan” nên còn e dè. Những người bị khởi kiện, người buộc phải thi hành án hành chính thường là chủ tịch UBND, UBND, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước. Đây là những người nắm rõ quy định pháp luật nhưng vẫn xảy ra những trường hợp cố tình không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính, không ra tòa, không tự nguyện thi hành án. Điều này không chỉ gây khó khăn cho tòa án trong công tác xét xử và gây bức xúc cho người khởi kiện, mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật của các đối tượng bị khởi kiện và người phải thi hành án. Do đó, rất cần xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm để răn đe.
Pháp luật hiện hành cũng đã có quy định về cơ chế xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm. Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án có trách nhiệm xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành bản án, quyết định của tòa án.
Công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và vị trí công tác có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong Nghị quyết số 55/2017/QH14, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Hay Nghị quyết số: 110/2023/QH15, Quốc hội yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường kiểm sát và kiến nghị xử lý các trường hợp chậm thi hành án hành chính...
Quy định về xử lý trách nhiệm đối với trường hợp không tuân thủ quy định của Luật Tố tụng hành chính đã có. Để tránh “nhờn” luật, phải xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình không ra tòa, cố tình không thi hành án hành chính, có như vậy mới khắc phục tồn tại mà “năm nào cũng nói”.