Xử nghiêm để răn đe

- Thứ Năm, 31/12/2020, 07:10 - Chia sẻ

Những ngày cuối năm, mối âu lo dịch bệnh càng lớn hơn trước thông tin về những trường hợp nhập cảnh trái phép bị nhiễm Covid-19.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29.12, Bộ trưởng Công an cho biết 70 nghìn người đã được đưa về nước và vẫn còn hàng trăm nghìn người ở nước ngoài muốn về. Đặc biệt vào dịp cuối năm, số người muốn về càng tăng lên. Cùng với đó, tình trạng xuất nhập cảnh bất hợp pháp cũng diễn biến phức tạp, trung bình mỗi ngày có hàng trăm người vượt biên. Tính từ đầu năm đã có khoảng 14 nghìn người nhập cảnh bất hợp pháp, mang theo nguy cơ lây lan dịch bệnh ở trong nước. Rủi ro này không còn ở dạng tiềm ẩn nữa, mà đã hiển hiện trong thực tế, như các ca bệnh BN1440, BN1451, BN1452, BN1453… đều nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở.

Trưa hôm qua (30.12), Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang ký quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra đường dây đưa người nhập cảnh trái phép liên quan đến BN1440. Theo Công an tỉnh An Giang, BN1440 liên tục thay đổi lời khai, gây khó khăn cho cả cơ quan điều tra cũng như quá trình truy vết dịch tễ, đây được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm.

Động thái này của cơ quan chức năng hết sức cần thiết. Cần điều tra sớm, xử lý thật nghiêm minh để có sức nặng răn đe đối với những người đang có ý định nhập cảnh trái phép, trốn tránh thực hiện quy trình y tế phòng chống dịch bệnh. Bởi lẽ, trong cuộc chiến với Covid-19, thực sự “sai một ly đi một dặm”. Sự thiếu trách nhiệm dù chỉ của một người cũng rất có thể sẽ gây hậu quả “domino” nghiêm trọng cho cả xã hội và quốc gia. Đành rằng, nhu cầu về với quê nhà của mỗi người dân đều chính đáng nhưng tất cả phải tuân thủ quy định pháp luật và bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Việt Nam đã đạt được thành quả đầy tự hào trong năm 2020 muôn vàn khó khăn. Nói như Thủ tướng Chính phủ, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số "con hổ" của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Người dân đang nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới. Các doanh nghiệp đang từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và cố gắng duy trì sự “tồn tại” sau một năm đầy bất ổn với hy vọng sẽ tạo ra nền tảng vững chắc hơn cho một tương lai đầy bất định phía trước.      

Thành quả ấy bắt nguồn từ thành tích chống dịch và chúng ta có thể nói một cách không hề sáo rỗng rằng, chính sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân đã làm nên chiến thắng ấy. Dù vậy, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang tiếp diễn căng thẳng, với nhiều kịch bản khó hình dung. Và thực tế cho thấy kết quả thắng - thua trong cuộc chiến này lại phụ thuộc không nhỏ vào ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng! Muốn chống được Covid-19 đòi hỏi mỗi người dân, mỗi mắt xích trong hệ thống phải luôn cảnh giác và tự giác chấp hành các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ; phải nâng cao trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Về phía các cơ quan chức năng, cần khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, không để xảy ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"; đồng thời quản lý chặt các cửa khẩu, biên giới phía Tây Nam, các khu cách ly…, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hà Lan