Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

- Thứ Bảy, 09/01/2021, 09:40 - Chia sẻ
Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển công tác khác. Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và BCĐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) vừa diễn ra.

Có tình trạng tiếp tay cho phá rừng. Ảnh minh họa

 Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, công tác phòng, chống tội phạm đã được kéo giảm rõ rệt theo từng năm. Năm 2016 giảm 4,4%, năm 2017 giảm 3,02%, năm 2018 giảm 0,61%, năm 2019 giảm 7,39%, năm 2020 giảm 6,8%. Phát hiện và điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, công nghệ cao, cờ bạc, ma túy, môi trường nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có 120/133 vụ án lớn (chiếm tỉ lệ 91%) thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Nhìn vào những con số này, có thể thấy đây là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua. Đó là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề phòng chống tội phạm vẫn còn những tồn tại hạn chế. Nhận định về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác phòng chống tội phạm, tình hình trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp, một số loại tội phạm gia tăng như: giết người cướp tài sản tăng 9,38%, hiếp dâm, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em tăng 22,35%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 11,17%, chống người thi hành công vụ, tăng 14,31%. Hoạt động tội phạm “bảo kê, tín dụng đen”, ma túy vẫn diễn ra phức tạp. Công tác phòng ngừa tội phạm, có nơi ở cơ sở còn buông lỏng. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tuy được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, số lượng, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp... nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao. Đặc biệt còn có biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật…

Thực tế cho thấy, dù lực lượng chức năng được “rải” đều ở địa bàn, nhưng không ít vụ vi phạm pháp luật vẫn xảy ra. Điều đáng nói là, hành vi vi phạm pháp luật được các đối tượng thực hiện ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng cơ quan chức năng lại không biết! Chỉ đến khi báo chí, truyền thông vào cuộc thì người có trách nhiệm mới “vỡ lẽ” về những sai phạm xảy ra. Rất khó để nói rằng, tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi trên các lòng sông, tình trạng chặt phá rừng công khai diễn ra trong một thời gian dài mà chính quyền sở tại lại không biết, cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý lại không biết. Đó là sự tiếp tay, làm ngơ cho sai phạm của một số cán bộ có thẩm quyền.  

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đã từng phân tích, cho dù việc phá rừng diễn ra âm thầm trong rừng sâu nhưng vận chuyển ra khỏi rừng hàng chục hàng trăm m3 gỗ đi tiêu thụ buộc phải ra khỏi rừng. Trong khi đó, tất cả các ngõ lớn ngõ nhỏ đều có sự hiện diện thuộc quyền quản lý của các cơ quan chức năng. Phải chăng ở đây có sự bao che tiếp tay? Trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?. Chắc chắn rằng bộ phận cán bộ chính quyền cơ quan chức năng đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình được giao. Trên cơ sở đó, đại biểu Hùng đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các địa phương đã để xảy ra tình trạng phá rừng, quy rõ trách nhiệm tới từng cá nhân để xử lý “chặn đứng” tình trạng này.

Tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi chỉ là một trong những lĩnh vực mà có sự tiếp tay, làm ngơ cho vi phạm của một số cán bộ chức năng, của chính quyền sở tại. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài cơ chế phòng ngừa, rất cần cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể nghiêm minh để răn đe.

Phó Thủ tướng đã yêu cầu rõ, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển công tác khác khi để xảy ra tội phạm kéo dài, cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng. Vấn đề quan trọng còn lại là thực thi xử lý trách nhiệm đó như thế nào trên thực tế để đủ sức răn đe.

Lê Hùng