Đa số ĐBQH tán thành việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về nhà giáo. Đồng thời, khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục - yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Một số ý kiến cho rằng, với việc ban hành Luật Nhà giáo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt, được hưởng mọi quyền lợi và chính sách đối với viên chức trong hệ thống pháp luật, đồng thời có một số chính sách đặc thù để có cơ hội phát triển tốt hơn.
Việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu là việc sống còn của ngành giáo dục. Nếu phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo cho chúng ta thấy rõ ràng nhà giáo là nghề cao quý trong các nghề cao quý và ở đây không có sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, việc khẳng định vai trò, vị thế và xác định quyền, nghĩa vụ cơ bản của nhà giáo cũng như những việc không được làm trong dự thảo Luật là đổi mới quan trọng, bởi đây là vấn đề thực sự xã hội rất quan tâm, với mong muốn nhà giáo phải là tấm gương và được tôn vinh.
Nhiều đại biểu tán thành việc dự thảo Luật đã có những chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, cần tính đến chính sách "giữ chân" các nhà giáo để họ sẵn sàng ở lại với nghề.
Đi vào một số chính sách cụ thể như việc bảo đảm nhà công vụ, hay nhà tập thể, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nhất là khi Quốc hội vừa mới thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tán thành với các quy định cấm trong dự thảo luật, ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, xã hội đặc biệt quan tâm đến các chuẩn mực của nhà giáo, từ đạo đức, phong cách cho đến quy tắc ứng xử… Do đó, cần phải nghiêm túc trong quá trình triển khai thực hiện nội dung này; đối với những giáo viên đã vượt ra khỏi ranh giới của đạo đức, của quy tắc ứng xử thì cần được xử lý thấu đáo và triệt để.