Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hải Dương Khóa XVI

Xử lý rốt ráo những tồn tại

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 06:06 - Chia sẻ
Nguyên nhân dự án chậm giải ngân; có hay không tình trạng trục lợi trong hưởng chính sách hỗ trợ dịch Covid 19… là những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Khóa XVI. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu người đứng đầu các sở nêu cao trách nhiệm, tích cực vào cuộc xử lý rốt ráo những tồn tại; tăng cường giám sát việc hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Tăng cường quản lý giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng vốn đầu tư 6 tháng đầu năm ước đạt 21,152 tỷ đồng (tăng 6,5% so với cùng kỳ). Các dự án lớn, dự án trọng điểm đều cơ bản hoàn thành như: Dự án xây dựng cầu Mây, dự án Trung tâm văn hóa Xứ Đông. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Kiêm thẳng thắn nhìn nhận: Toàn tỉnh hiện còn 33 dự án chuyển tiếp sử dụng vốn ngân sách tỉnh tỷ lệ giải ngân còn thấp hoặc chưa giải ngân. Nhiều dự án sử dụng ngân sách trung ương cũng chưa giải ngân kịp thời. Ông Kiêm cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, nhiều công trình trên địa bàn đã phải tạm dừng khởi công xây dựng trong khoảng thời gian dài. Bên cạnh đó, còn do công tác giải phóng mặt bằng bị chậm tiến độ; năng lực của các đơn vị tư vấn, nhà thầu còn yếu kém…

Đại biểu chất vấn tại hội trường

Trước yêu cầu của đại biểu về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Đình Kiêm cho biết: Sở sẽ đánh giá mức độ hoàn thành các dự án. Nếu tỷ lệ giải ngân thấp sẽ điều chuyển vốn thanh toán năm 2020 sang các dự án có tiến độ, khả năng giải ngân tốt hơn. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ phối hợp cùng các địa phương giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong đầu tư công... Sau giám sát, đơn vị sẽ tập hợp, báo cáo HĐND tỉnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này nhưng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Văn Quân cho biết: Tính đến hết ngày 6.7, Sở đã phân bổ 204/361 tỷ đồng giao cho các địa phương thực hiện các dự án. Từ nay đến cuối năm, ngành sẽ giải ngân cho 7 công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cam kết: Sẽ không cho những đơn vị thi công yếu kém, không đủ năng lực được tiếp tục triển khai thực hiện các dự án; đồng thời, sẽ bố trí, chuyển giao nguồn vốn đầu tư công trong lĩnh vực cho các các dự án làm tốt việc giải ngân.

Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tập trung làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm một số dự án, công trình lớn. Đồng thời, đưa ra thời hạn hoàn thành giải ngân xong các dự án công trình này trước ngày 15.10. “HĐND tỉnh sẽ yêu cầu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu mỗi sở ngành cần nâng cao trách nhiệm, tích cực giám sát các dự án đang triển khai trên địa bàn và phải chịu trách nhiệm nếu tiến độ giải ngân chậm” - Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Giám sát chặt việc hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19       

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Văn Định cho rằng: Đây là chủ trương rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, hoạt động này chưa từng có tiền lệ và mang tính cấp bách giúp chia sẻ bớt gánh nặng khó khăn cho do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, một số địa phương trên cả nước hiện đang xuất hiện nhiều trường hợp lợi dụng chính sách nhằm trục lợi cho bản thân. Đại biểu đề nghị lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có giải pháp xử lý những đối tượng lợi dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, nếu có.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Hồng Khiêm cho biết: Tại Hải Dương, ngay sau khi có Nghị quyết 42 của Chính phủ vào cuối tháng 4, công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách, rà soát, lập danh sách đối tượng hưởng được triển khai khẩn trương, đồng bộ đến từng cơ sở, thôn, khu dân cư. Tính đến giữa tháng 6, toàn tỉnh đã hoàn tất việc chi hỗ trợ hơn 199 tỷ đồng cho 161.538 người có công với cách mạng, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, còn tiếp nhận hồ sơ của 14 doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ hơn 3.000 người tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Về việc có hay không trục lợi trong thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid - 19 trên địa bàn, ông Khiêm khẳng định: Tính tại thời điểm này, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp nào lợi dịch chính sách để trục lợi. Tuy nhiên, quá trình rà soát và thực hiện chính sách thực hiện còn chậm do một số địa phương vẫn chưa nắm bắt rõ ràng các quy định. Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức giám sát thực hiện chương trình nếu phát hiện ra trường hợp trục lợi sẽ tiến hành xử lý nghiêm túc, kịp thời.

Thanh Bình