Xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất tồn lưu

Hà Phương 11/08/2012 08:44

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, hiện nay, nước ta có hơn 1.153 điểm ô nhiễm do hóa chất POP tồn lưu. Tuy nhiên, do những hạn chế về năng lực, kỹ thuật, phương pháp, quy trình thực hiện… nên việc xử lý, cải tạo và phục hồi các điểm ô nhiễm này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Cần hướng dẫn  chi tiết…

Hiện nay, thực hiện xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV tồn lưu gây nên đang được áp dụng theo các quy định trong Luật Hóa chất, Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn một số văn bản dưới Luật khác; trong đó đáng chú ý là Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21.10.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch phòng ngừa, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên cả nước”. Theo đó, chương trình sẽ tập trung xử lý các khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên 11 tỉnh bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Chuyên gia quốc tế hướng dẫn cách xử lý và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu Nguồn: dantri.com.vn
Chuyên gia quốc tế hướng dẫn cách xử lý và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu                                                                                                       Nguồn: dantri.com.vn

Tại Kỳ họp thứ 2, năm 2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có Chương trình MTQG về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Nằm trong nội dung Chương trình này là các tiểu dự án xử lý 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng trong tổng số 1.153 khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra trên phạm vi cả nước.

 Đến nay, việc triển khai thi hành theo văn bản pháp luật đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, một số quy định trong các văn bản nêu trên còn thiếu và quá chung chung, khó triển khai áp dụng trên thực tiễn; chưa có sự thống nhất trong việc phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với xử lý ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV tồn lưu; thiếu các biện pháp chế tài phù hợp đối với các hành vi vi phạm; thiếu các hướng dẫn kỹ thuật và các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm tồn lưu… Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý, cải tạo và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu cần được quy định và hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể. Từ đó, cơ quan thực thi mới có cơ sở áp dụng để giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ và hiệu quả.

… và những biện pháp xử lý đồng bộ

Hiện nay, với sự hỗ trợ của GEF/UNDP và FAO, Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV tồn lưu POP tại Việt Nam” đang được triển khai thực hiện. Dự án đã hỗ trợ xây dựng và thực hiện một kế hoạch giám sát để đảm bảo tuân theo tiêu chuẩn quốc tế trong từng giai đoạn của quá trình tiêu hủy hóa chất BVTV tồn lưu tại Việt Nam.

Từ kết quả khả quan của việc đốt hóa chất BVTV hết hạn bằng công nghệ của Nhà máy Xi măng Holcim - Kiên Giang cho thấy, đây là công nghệ phù hợp cho tiêu hủy hóa chất bảo vệ thực vật POP tồn lưu tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xử lý và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu hiệu quả cần thực hiện đồng bộ và đúng cách. Theo ông Đào Xuân Lai - Trưởng phòng phát triển bền vững thuộc UNDP: công nghệ đốt hóa chất BVTV tồn lưu tại Nhà máy Xi măng Holcim là công nghệ hiện đại, được cấp phép và được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, “đối với khối lượng đất nhiễm hoá chất BVTV lớn như hiện nay, sử dụng công nghệ đốt này cần chi phí rất lớn. Vì vậy, nên xem xét áp dụng các giải pháp thay thế khác như công nghệ nghiền bi, công nghệ sinh học...” - ông Lai khuyến nghị.

Hiện nay, UNDP đang hỗ trợ thử nghiệm xử lý dioxin bằng công nghệ nghiền bi, nếu việc thử nghiệm này thành công thì khả năng áp dụng công nghệ nghiền bi để xử lý đất nhiễm hóa chất BVTV POP tồn lưu là hoàn toàn có thể thực hiện trong thời gian tới.

Thiết nghĩ, để mục tiêu cải tạo và phục hồi môi trường tại hơn 300 điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng từ nay đến năm 2015; đến năm 2025 xử lý toàn bộ các điểm còn lại nhằm loại bỏ hóa chất BVTV tồn lưu tại Việt Nam ra khỏi đời sống cộng đồng thành hiện thực thì cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể, chi tiết thì cần kết hợp nhiều biện pháp xử lý đồng bộ và đúng cách…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất tồn lưu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO