Xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C mang lại kết quả khả quan

- Thứ Tư, 21/09/2016, 17:18 - Chia sẻ
Chiều 19.9, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty thoát nước Hà Nội) đã họp báo công bố việc làm sạch nước một số hồ trên địa bàn Thủ đô bằng chế phẩm Redoxy-3C.

Hồ Ba Mẫu đã trong sạch  sau 24 giờ xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C - Ảnh: Lan Chi

Theo đó, lần đầu tiên tại Việt Nam, công nghệ Redoxy-3C, được ứng dụng vào xử lý ô nhiễm hồ tại Thủ đô. Đây là công nghệ được sản xuất theo đơn đặt hàng độc quyền của UBND TP Hà Nội từ CHLB Đức. Bước đầu thử nghiệm xử lý tại 3 hồ: Hố Mẻ, Ba Mẫu, Giáp Bát đã thu được kết quả đáng ghi nhận.
 
Theo đánh giá của Công ty Thoát nước Hà Nội, trước khi xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C, hầu như các hồ đều bị ô nhiễm chất hữu cơ và đang trong tình trang phì dưỡng, mùi tanh và thối, nước màu xanh đậm. Nồng độ COD, BODs cao hơn tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt. Tuy nhiên, sau khi xử lý thì nước hồ đã trong, không có mùi, sinh vật thủy sinh phát triển bình thường. Sau khi phun rải 2 giờ các lớp tảo tầng trên xuất hiện các biểu hiện chết hàng loạt và nổi trên mặt nước tạo váng màu nâu xanh. Sau khi quan sát lớp váng tảo nổi trên bề mặt hồ, bà Lê Thu Hà, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Giảng viên Khoa Sinh học trường Đại học Khoa học tự nhiên đã nhận xét: “Tảo là sinh vật phù du, khi tảo đang khỏe và ở dạng sống thì chúng trôi nổi tự do trong thủy vực. Tảo là sinh vật quang hợp nên ban ngày thường nổi lên cách mặt nước tầm 30cm đến tối chúng sẽ chìm xuống cách mặt nước tầm 1m. Khi sức sống bị kém đi, tảo sẽ nổi lên trên bề mặt thủy vực liên tục và kết dính lại với nhau tạo thành mảng cho đến khi tảo chết hẳn các tế bào nguyên sinh chất sẽ bị xẹp lại hoàn toàn và chìm xuống dưới đáy thủy vực”.
 
Đến nay, sau 10 ngày xử lý hồ Giáp Bát, mặt hồ không còn hiện trạng váng tảo nổi, nước hồ trong, hệ thủy sinh trên hồ phát triển bình thường, người dân đánh giá rất tốt. Hồ Hố Mẻ vẫn còn váng tảo nổi trên mặt, nhưng nước hồ đã trong hơn nhiều.
 
Về chất lượng nước, các thông số BODs, COD, amoni và TSS tại các hồ giảm và tiệm cận dần về ngưỡng cho phép đối với nước mặt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT).
 
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, sau khi các hồ đã trong hơn thì khâu duy trì hồ sau xử lý cũng rất quan trọng. Theo đó, cần vệ sinh vớt rác trên hồ và xung quanh hồ, bổ sung chế phẩm theo định kỳ. Bổ sung thêm bè thủy sinh và lắp đặt các máy sục khí (đối với các hồ có đù điều kiện về nguồn điện và bảo vệ) trên các hồ để tạo cảnh quan, góp phần xử lý nước hô, tạo hệ sinh thái trên hô hoàn chỉnh làm tăng khả năng tự làm sạch của hồ; quản lý toàn diện các hồ để tránh chồng chéo trong công tác quản lý hồ và bảo đảm hiệu quả trong công tác xử lý, duy trì chất lượng nước.
 
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường hồ nói riêng để hạn chế việc vứt rác, xả rác, phê thải xuống hồ.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã mời một công ty đến từ Cộng hoà Liên bang Đức chuyên sản xuất các chế phẩm ứng dụng trong xử lý nước đến Hà Nội nghiên cứu, sản xuất chế phẩm xử lý làm sạch nước ở hồ tại Thủ đô. Trong tháng 7, chế phẩm Redoxy-3C được tạo ra và Chủ tịch Hà Nội giao cho Công ty thoát nước thử nghiệm. Đây sẽ là sản phẩm công nghệ độc quyền của UBND TP Hà Nội. 
Lan Chi