Xử lý nghiêm xe trá hình phòng, chống dịch

- Thứ Năm, 05/08/2021, 16:17 - Chia sẻ
Những chuyến xe gắn bảng, băng rôn “chuyến xe 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình đưa bà con về quê” nhưng thực tế thu hàng chục triệu đồng/chuyến để chở người dân từ các tỉnh miền Nam về các tỉnh miền Trung. Nguy hiểm hơn, những chuyến xe này bất chấp Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Có hàng chục chuyến xe như thế đã bị phát hiện ngay tại các chốt kiểm soát y tế. Không chỉ người dân đi trên xe, mà cả tài xế bị lập biên bản, đưa đi cách ly tập trung.

Những chuyến xe trá hình gắn băng rôn “xe 0 đồng”, “xe nghĩa tình” chở người từ các tỉnh, thành có dịch ở miền Nam về quê bị phát hiện, xử lý trong những ngày qua ở các chốt kiểm tra trên Quốc lộ 1A, đi qua địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)

Thu tiền cao, gắn băng rôn để qua mặt

Những ngày qua, sau khi các tỉnh, thành ở phía Nam siết chặt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ “ai đâu ở yên đó”, gần như không còn xuất hiện tình trạng các đoàn xe máy nối đuôi nhau chạy về các tỉnh miền Trung. Lợi dụng tình trạng đó, một số chủ xe khách ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã dùng chiêu trò mời chào, lôi kéo bà con trở về. Trên những chuyến xe như thế, các nhà xe cho gắn bảng, băng rôn ở đầu xe “chuyến xe 0 đồng”, “chuyến xe nghĩa tình đưa bà con về quê”… để qua mặt các lực lượng kiểm tra trên một chặng đường dài.

Thế nhưng, ngay khi qua khỏi hầm Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), những chuyến xe này ngay lập tức bị chốt kiểm tra ở đây chặn lại và phát hiện “dịch vụ trá hình”. Những chuyến xe này chở người dân ra ngay trạm kiểm soát Lăng Cô và thả xuống trước khi quay đầu. Khi bị phát hiện, lập biên bản, những tài xế này vẫn chối cãi và cho rằng đang làm công việc thiện nguyện và xin được… tạo điều kiện, cho quay đầu xe về sớm.

Tuy nhiên, ngay chính những người dân đi trên những chuyến xe đó đã phản ứng. Họ cho rằng các tài xế khai báo gian dối, thực tế đó là những chuyến xe thương mại, người dân đã đóng tiền với mức giá cao để được chở về. Một số người dân cho hay, do muốn trở về quê nên họ để lên mạng tìm kiếm số điện thoại hoặc thông qua những người đã trở về từ những đợt trước để đặt chỗ, chuyến. Nhiều nhà xe sau đó đã nhận lời và không thu tiền một lần mà chia làm nhiều lần với giá “cắt cổ”.

Bà Huỳnh Thị Đ. (quê Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) – một hành khách đi trên chuyến xe “trá hình” đó cho biết, thông qua người quen, chị đặt xe với hy vọng sớm được trở về quê nhà. Do tình hình dịch bệnh nên không được trả giá, nhà xe ra giá bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Theo bà Đ., thay vì ngày thường giá xe khách đi từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế chỉ hơn 500.000 đồng, nhưng lần này nhà xe đã tăng giá gấp 4 lần, lên 2 triệu đồng/người.

Chuyến xe này chở 18 người, trước khi khởi hành, nhà xe yêu cầu đưa trước một phần để đổ xăng, đi thêm một đoạn đường người ta yêu cầu chuyển thêm, cứ thế khi gần tới Huế tài xế yêu cầu chuyển hết mới chở ra đến khu vực trạm kiểm soát y tế ở Lăng Cô.

 

Đưa tài xế đi cách ly, sẽ xử lý nghiêm

Trong ngày 4.8, các lực lượng làm việc tại trạm kiểm soát y tế Lăng Cô phát hiện một chiếc xe “trá hình” chở 23 người, trong đó có trẻ em quay trở về Huế. Sau khi xác minh, cơ quan chức năng cho biết những người này tự ý trở về địa phương từ các tỉnh, thành đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, điều này vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế, vẫn tổ chức tiếp nhận, đưa vào cách ly tập trung đối với những công dân này nhưng đồng thời tiến hành xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch của các công dân. Hiện tại tất cả 23 công dân này đã được khai báo y tế, lập biên bản vi phạm và đưa đi cách ly tập trung.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi Công điện 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành số lượng người từ vùng dịch trở về có chiều hướng giảm dần. Thế nhưng, thay vì đi xe máy, giờ đây người dân được các nhà xe mời chào, nhận tiền để chở về bằng hình thức trá hình “xe nghĩa tình”, “xe 0 đồng”… Những chuyến xe trá hình chở người từ vùng dịch trở về khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, khó khăn cho công tác phòng chống dịch và tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid – 19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, những ngày qua địa phương phát hiện nhiều chuyến xe trá hình như thế. Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, cơ quan liên quan đã lập biên báp, áp tải 15 tài xế xe trá hình chở công dân từ các tỉnh, thành có dịch về quê đưa đi cách ly. Phí cách ly các lái xe chịu toàn bộ.

Theo ông Sơn, những hành động này đáng lên án, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý hành vi vi phạm nguyên tắc phòng, chống dịch của cá nhân, tổ chức liên quan đến các loại phương tiện này nhằm thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

CTV