Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 25, HĐND thành phố Hà Nội Khóa XVI, các đại biểu HĐND thành phố đánh giá, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn phổ biến. Thực trạng này đòi hỏi UBND thành phố cần sớm hoàn thiện quy định kết hợp với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
Vẫn còn bày bán thực phẩm không rõ nguồn gốc
Đặt câu hỏi chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Trần Khánh Hưng dẫn chứng việc Công an thành phố bắt 4 đối tượng "tuồn" thịt lợn bệnh ra thị trường, vào cả nhà hàng, quán cơm... khiến dư luận hết sức lo lắng. Đáng chú ý, báo cáo của UBND thành phố cũng cho thấy, hiện nay, tổng trọng lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát khi cung cấp ra thị trường mới ở mức 550 tấn thịt các loại/ngày (tương đương 60% nhu cầu tiêu thụ).
“Tình trạng thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc bị phát hiện, xử lý còn nhiều. Ngoài 60% sản lượng thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát, 40% còn lại thì việc kiểm soát ra sao và Sở Nông nghiệp và Môi trường có giải pháp nào để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, đại biểu Trần Khánh Hưng nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại cho biết, lượng tiêu thụ thịt lợn hàng ngày trên địa bàn thành phố rất lớn (khoảng 500 nghìn tấn thịt các loại/năm). Trong đó, số lượng chăn nuôi trên địa bàn thành phố đáp ứng được khoảng 60%, còn lại nhập từ nơi khác 40% (gồm cả trong và ngoài nước). "Trong 40% lượng thịt nhập từ các địa phương, vẫn còn tình trạng hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thừa nhận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Đại cũng nhấn mạnh, điều đó không có nghĩa 40% sản lượng này không được kiểm soát. Trên thực tế, thành phố đã ký liên danh liên kết với 43 tỉnh, thành phố (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh); trong đó, có 27 tỉnh, thành phố thường xuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho Hà Nội.
Về giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Sở đang xây dựng các chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp; trong đó, có nội dung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như an toàn giết mổ gia súc. Đồng thời, Sở cũng tham mưu thành phố ban hành các quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm hơn đối với các trường hợp vi phạm như báo chí và phóng sự phát tại phiên chất vấn đã đề cập. “Tới đây, cơ quan chức năng của thành phố sẽ xử lý nghiêm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cam kết.
Nan giải bài toán giải quyết các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh cho biết, hiện vẫn còn hơn 700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tồn tại trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Đại biểu đề nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường nêu giải pháp xử lý dứt điểm các cơ sở giết mổ tự phát để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu cũng đề nghị đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y làm rõ thông tin trong phóng sự tại phiên chất vấn nêu về việc cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở xã Phúc Lộc chưa đóng dấu kiểm dịch vệ sinh thú y trước khi mang sản phẩm bán ra thị trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Quyết định 761 của UBND thành phố phê duyệt 29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đến nay, có 5/8 cơ sở giết mổ công nghiệp, trong đó công suất chưa đạt mong muốn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài ra, trên địa bàn còn hơn 100.000 nghìn hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng vị trí để đặt các điểm giết mổ còn gặp khó khăn. Hiện, Sở đang báo cáo nội dung chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, xây dựng chế tài để xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Liên quan đến phản ánh thực phẩm chưa đóng dấu kiểm dịch được mang bán ra thị trường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng thừa nhận, thực tế vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ như tại xã Phúc Lộc mà trong phóng sự nêu cũng như thông tin báo chí nêu. Việc quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp xã. Vì vậy, chính quyền cấp xã cần tập trung quản lý và có chế tài xử lý nghiêm tình trạng này.
Tham gia làm rõ thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhìn nhận, đây là vấn đề khó khăn bởi qua khảo sát thực tế, nhiều cơ sở giết mổ tập trung thu hút đầu vào rất khó khăn do chi phí về đầu tư, chi phí trong quá trình giết mổ, không thể cạnh tranh được với các cơ sở nhỏ lẻ. Đây là bài toán mà UBND thành phố đã nhận diện và hiện đang giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cùng với các ngành nghiên cứu đề xuất, xây dựng cơ chế để trình kỳ họp HĐND thành phố tới đây xem xét, giải quyết.