Xử lý nghiêm những trường hợp “xé rào”

- Thứ Sáu, 09/10/2020, 08:26 - Chia sẻ
Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII thuộc lĩnh vực Nội vụ có một nội dung đáng chú ý. Đó là qua thanh tra, kiểm tra có 252 trường hợp bị thu hồi quyết định tuyển dụng, 271 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

Báo cáo cũng cho thấy, từ năm 2019 đến nay, Bộ Nội vụ đã tiến hành hơn 40 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch về quản lý, sử dụng biên chế công chức, tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch đối với công chức, viên chức; công tác bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý… Đối với những sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và các hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm, đặc biệt, các sai phạm bị xử lý bằng hình thức thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức không đúng quy định tại một số bộ, ngành, địa phương. Ngoài 271 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, có 118 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp, 53 trường hợp bị xếp lại ngạch công chức, hạng viên chức, 53 trường hợp bị thi hành kỷ luật; 955 trường hợp bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm; 967 trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý khác…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng quy định. Đó là, không thực hiện đúng quy định về thành lập Hội đồng tuyển dụng, không công khai thông báo tuyển dụng, ưu tiên trong tuyển dụng không đúng quy định đối với việc thi tuyển, xét tuyển. Tuyển dụng công chức đối với các trường hợp đặc biệt tại các bộ, ngành, địa phương không đúng tiêu chuẩn về bằng cấp chuyên môn hoặc thời gian công tác, không thực hiện đủ trình tự trong việc kiểm tra, sát hạch hoặc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Không thực hiện đầy đủ trình tự bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm các trường hợp chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn tại thời điểm bổ nhiệm…

Việc bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng không đúng quy định đã nhiều lần được các đại biểu “mổ xẻ” trên diễn đàn Quốc hội. Trước chất vấn của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về việc có hay không “bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã xác nhận rằng việc bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ là có. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng xác nhận, đối với tuyển dụng, bổ nhiệm thì sai phạm trong tuyển dụng chiếm nhiều nhất trong các sai phạm khác.

Xác nhận của người đứng đầu ngành nội vụ cho thấy, dù công tác cán bộ của chúng ta thời gian qua đã chặt chẽ hơn, nhưng một số nơi công tác bổ nhiệm, tuyển dụng vẫn còn “vấn đề này, vấn đề kia”, gây bức xúc dư luận. Việc bổ nhiệm, tuyển dụng bất chấp quy định đã ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của nhân dân vào công tác cán bộ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tài bị loại khỏi bộ máy chỉ vì việc tuyển dụng, bổ nhiệm thiếu minh bạch. Câu hỏi đặt ra là, vì sao đã có quy định về bổ nhiệm, tuyển dụng chặt chẽ mà các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn cố tình “xé rào”? Liệu có phải do trình độ của cán bộ làm công tác này còn hạn chế? Có hay không tình trạng tiêu cực, “tham nhũng” trong công tác cán bộ mà Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Mai Bộ đã từng đặt ra trên diễn đàn Quốc hội không?

Về nguyên tắc, bổ nhiệm, tuyển dụng sai thì phải sửa sai. Theo đó, phải hủy bỏ quyết định đã bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng quy định. Cùng với đó là xử lý trách nhiệm nghiêm minh đối với những cá nhân, tập thể xảy ra vi phạm. Hủy bỏ quyết định hay cơ chế xử lý trách nhiệm là cần thiết nhưng đó chỉ là khắc phục hậu quả đã rồi. Ngoài ra, để không xảy ra tình trạng nhân tài “chín ép”, hay tuyển dụng tràn lan, nợ chuẩn, phải nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ. Đây là những chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình lựa chọn nhân sự và giới thiệu quy hoạch, quy trình bổ nhiệm cán bộ, là “lưới lọc” cán bộ bước đầu rất quan trọng. Muốn vậy, đòi hỏi người làm công tác này phải công tâm khách quan, không vì lợi ích này, lợi ích kia, cùng với đó là cơ chế trách nhiệm rõ ràng nếu như tham mưu cán bộ nhầm người.

Song Hà