Xử lý nghiêm để răn đe

Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Hà An ghi
11/05/2020 10:42

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, tôi đồng ý với phương án 2, như đã quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng bởi các lý do sau:

Một là, theo đánh giá, tội phạm gần đây trẻ hóa, diễn biến ngày càng phức tạp, tàn bạo và gây bức xúc cho xã hội. Chính vì vậy cần phải có biện pháp răn đe. Tuy nhiên, nếu phạm tội, thì trong quá trình xét xử, luật pháp Việt Nam đã có những chính sách nhân đạo và tình tiết giảm nhẹ tội đối với nhóm đối tượng này.

Hai là, nếu chúng ta xử lý nghiêm những trường hợp này thì sẽ xây dựng được môi trường tốt để số đông trẻ em và số đông người trong xã hội an tâm hơn. Tôi không đồng tình với lý giải cho rằng, tuổi này nhận thức chưa đầy đủ. Những trường hợp cố ý gây thương tích, hay thực hiện hành vi hiếp dâm gây bức xúc trong dư luận thì không còn là trẻ em bình thường mà rơi vào trường hợp cá biệt buộc phải xử lý. Nếu đưa ra lập luận cho rằng, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em thì lợi ích này theo số đông hay chỉ vài trẻ em? Nếu chúng ta có pháp luật nghiêm, xử lý nghiêm thì tạo môi trường để trẻ em hưởng lợi ích tốt nhất.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương

Về Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235). Tôi đồng tình với báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình nhưng kiến nghị, không quy định khối lượng kg hay m3 vì thực tế chúng ta không xác định được lượng xả thải. Ví dụ như Vedan và Formosa xả thải, xả ngầm thì làm sao chúng ta xác định được? Tôi cho rằng, trong Luật này chỉ cần đưa ra quy định: Xả thải ra môi trường có thông số môi trường nguy hại vượt chuẩn, kỹ thuật quốc tế về môi trường từ 3 - 5 lần, bỏ quy định từ 1000 m3/ngày, 5.000m3/ngày. Bởi, nếu đưa ra chúng ta không xác định được. Thực tế cho thấy, nhiều khi xả thải vào buổi đêm, thì ai đo, lấy gì để đo khối lượng này? Do vậy, chỉ quy định là vi phạm thôi, chứ quy định cụ thể thì rất khó.

Về Tội Hiếp dâm (Điều 141), đề nghị quy định rõ hơn hình thức vi phạm đến mức độ nào thì bị coi là vi phạm. Vừa qua, tòa án và viện kiểm sát cho rằng, việc này rất khó xác định. Vi phạm đến mức độ nào, chạm đến thì bị coi là vi phạm hay đã làm tổn hại đến người bị hiếp mới bị coi là vi phạm? Tôi cho rằng, vi phạm ở mức độ nào thì quy định tội phạm ở mức độ đó.

Tội phạm về trốn thuế (Điều 200) quy định, không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật thì bị coi là các hành vi trốn thuế. Tôi cho rằng, điều này cần phải được xem xét lại, vì đây là những hành vi xem xét để xử lý trách nhiệm hành chính. Nếu nộp hồ sơ thuế chậm mà cho rằng là trốn thuế thì không đúng, do đó, đề nghị nên bỏ quy định này.

Tội về lợi dụng chức vụ quyền hạn để giam giữ người trái pháp luật, cần phải xem xét và bổ sung thêm, nếu trường hợp cố ý thì xử lý nhưng với trường hợp vô tình thì chưa thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội và tính chất nguy hiểm. Đây là hành vi vi phạm về chế độ trách nhiệm công vụ, hoặc trong nhiều trường hợp do hoàn cảnh khách quan mà chưa kịp thời đưa ra quyết định về gia hạn tạm giữ, tạm giam đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Do vậy, đề nghị cần phải bổ sung làm rõ thêm hành vi phạm tội là “cố ý” và bổ sung thêm điều kiện “đã xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” thì mới xử lý hình sự.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xử lý nghiêm để răn đe
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO