Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang nghe giải trình việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm

Xử lý nghiêm, công khai cơ sở vi phạm

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 06:59 - Chia sẻ
Cùng với bố trí cán bộ kiêm nhiệm, tăng cường nguồn lực tài chính, rà soát, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn cho các đơn vị quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP), ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP. Thực hiện nghiêm việc công khai các cơ sở vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Đó là những nội dung Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh trong phiên họp nghe giải trình mới đây về việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm trên địa bàn từ năm 2017 đến hết tháng 6.2020.

Đại biểu HĐND tỉnh nêu yêu cầu giải trình tại phiên họp - ảnh NGỌC HƯNG
Đại biểu HĐND tỉnh nêu yêu cầu giải trình tại phiên họp
Ảnh NGỌC HƯNG

Không ít hạn chế

Theo báo cáo của đại diện UBND tỉnh Tuyên Quang về kết quả thực hiện Luật An toàn thực phẩm trên địa bàn từ năm 2017 đến hết tháng 6.2020: Toàn tỉnh có 472 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP được quan tâm thực hiện, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được tăng cường. Ngành chức năng đã kiểm nghiệm 13.289 mẫu thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xử lý mẫu, cơ sở được lấy mẫu có vi phạm về chất lượng và ATTP; thanh tra, kiểm tra 36.485 lượt cơ sở, phát hiện 2.566 lượt cơ sở có dấu hiệu vi phạm, xử lý 837 lượt cơ sở...

Tuy nhiên, sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) còn ít; công tác kiểm soát giết mổ động vật chưa bảo đảm theo quy định. Các hành vi vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, quả, lương thực vẫn còn phổ biến; việc sử dụng chất cấm làm phụ gia chế biến thực phẩm còn xảy ra; vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu thủ công chưa được kiểm soát; công tác quản lý vệ sinh ATTP tại các chợ chưa được chú trọng; vẫn còn tình trạng hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, hàng giả lưu thông trên thị trường; tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn ra. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP của chính quyền cơ sở chưa nghiêm.

Tăng cường nguồn lực, bố trí cán bộ kiêm nhiệm

Tại phiên giải trình, các đại biểu đã yêu cầu thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý thị trường và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố làm rõ trách nhiệm trong thực hiện Luật ATTP. Tập trung vào công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP; việc cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và công tác phòng ngừa nguy cơ đối với ATTP; việc sản xuất thực phẩm sạch theo quy trình VietGAP; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; quản lý về ATTP tại các chợ, điểm trung chuyển hàng hóa tự sản tự tiêu trên địa bàn; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP. Việc bố trí cán bộ công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm về công tác ATTP; bố trí ngân sách để thực hiện công tác ATTP...

Trước những vấn đề đại biểu đặt ra, lãnh đạo các sở, đơn vị và UBND các huyện, thành phố đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những hạn chế, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục. Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương đã tiếp thu, đồng tình với ý kiến đại biểu đặt ra và nhấn mạnh: UBND tỉnh sẽ tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khắc phục những hạn chế trong việc triển khai thực hiện Luật ATTP trên địa bàn.

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố tập trung khắc phục hạn chế trong thực hiện Luật ATTP; kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác ATTP theo quy định; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật ATTP. Bên cạnh đó, bố trí cán bộ công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm theo dõi công tác ATTP theo quy định; tăng cường nguồn lực tài chính quản lý ATTP; rà soát, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn cho các đơn vị quản lý nhà nước về ATTP.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về ATTP. Thực hiện nghiêm việc công khai các cơ sở vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường quản lý các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học. Kiểm soát chặt ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; thực hiện tốt việc quản lý ATTP trong sản xuất rượu thủ công. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo quy định.

LINH NGUYỄN