Bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài
Phát biểu trước Quốc hội về một số nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, việc bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài là cần thiết và phù hợp với thực tiễn các hoạt động đầu tư chứng khoán đang diễn ra. Bên cạnh đó, do thực tế đối tượng tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ thường là nhà đầu tư cá nhân, việc loại bỏ nhà đầu tư cá nhân sẽ dẫn đến thị trường TPDN bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp.
"Nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức sẽ có đủ nguồn lực, nhân lực và khả năng, kỹ năng để phân tích được tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức phát hành cũng như có các giải pháp về quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn, phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ. Do vậy, việc quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là cần thiết", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (Khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Luật hiện hành), đại biểu đồng ý về việc bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước trong việc thu thập, tập hợp thông tin, phát hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK); quyền, trách nhiệm, quy trình phối hợp với cơ quan điều tra liên quan đến các tội phạm về TTCK, trong đó có hành vi thao túng TTCK là cần thiết. Đại biểu đề nghị, Chính phủ rà soát để bảo đảm quy định tại dự thảo Luật phù hợp, đồng nhất với các quy định pháp luật liên quan trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Chứng khoán. Đồng thời, cần rà soát, làm rõ, chi tiết các khái niệm, định nghĩa liên quan đến việc xác định hành vi thao túng TTCK.
"Ngoài ra, việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện các hành vi thao túng TTCK đang diễn ra phổ biến, cần nghiên cứu quy định tại dự thảo Luật để bảo đảm các quy định có khả năng bao quát các hành vi được thực hiện bởi nhiều công cụ", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Đối với điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (Khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Luật hiện hành), ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đánh giá việc bổ sung Điểm g Khoản 3 Điều 15 của Luật hiện hành theo hướng một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là: “đáp ứng quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm” là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc “xếp hạng tín nhiệm” cần quy định rõ ràng, do vậy, đề nghị Chính phủ có quy chế thực hiện rõ ràng để bảo đảm tính hiệu quả của việc xếp hạng tín nhiệm.
Tăng cường tính minh bạch thông tin tài chính
Liên quan đến các nội dung về Luật Kiểm toán độc lập, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho biết, về đối tượng thực hiện Kiểm toán độc lập, đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) năm và soát xét BCTC bán niên là các doanh nghiệp, đơn vị có quy mô lớn (nhưng chưa phải là các công ty đại chúng, niêm yết trên thị trường chứng khoán), vì thực tế hiện nay có khá nhiều đơn vị, doanh nghiệp loại hình này tại Việt Nam. Quy định này sẽ tăng cường tính minh bạch thông tin tài chính của các đơn vị này cũng như bảo vệ lợi ích của nhiều bên sử dụng BCTC (bên cho vay, nhà cung cấp...) có giao dịch, lợi ích gắn với các đơn vị đó (như người lao động, bên mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp...).
Theo phân tích của đại biểu, đối với đối tượng được kiểm toán BCTC năm như các đơn vị sự nghiệp công lập (loại 1, loại 2) sẽ kịp thời giúp các đơn vị này cung cấp thông tin tài chính cho các cơ quan, các bên liên quan trung thực, hợp lý, tránh các sai sót, nhầm lẫn. Ngoài ra, khi kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán BCTC hàng năm sẽ bảo đảm tính thường xuyên, kịp thời tư vấn, hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đáng chú ý, về các trường hợp Kiểm toán viên (KTV) hành nghề không được thực hiện kiểm toán, các quy định để đảm bảo đến tính độc lập, đạo đức nghề nghiệp, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đề nghị xem xét không nên quy định trong Luật các trường hợp KTV hành nghề không được thực hiện kiểm toán, các quy định để bảo đảm đến tính độc lập, đạo đức nghề nghiệp, luân chuyển KTV mà nên quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật và chuẩn mực nghề nghiệp để điều chỉnh linh hoạt hơn và bảo đảm tính hiệu quả thiết thực trong thực tiễn.
"Tôi cho rằng dự thảo Luật liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung của 7 Luật, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bảo đảm không luật hoá quy định của nghị định, thông tư, loại ra khỏi dự thảo Luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và các cơ quan khác; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ… tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại Văn bản số 15/CTQH ngày 29.10.2024 về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.