Xử lý hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm
Ngày 4.1, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự và những vấn đề cần hướng dẫn thi hành”. Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu khai mạc và chủ trì hội thảo.
Ngày 20.6.2017, Quốc hội thông qua Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2018. Một số những nội dung quan trọng được bổ sung là nhóm tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN gồm tội gian lận BHXH, BHTN; tội gian lận BHYT và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Điều này chứng tỏ các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm có tính phổ biến và gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải tội phạm hóa các hành vi này. Đồng thời, cũng thể hiện rõ chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Tại hội thảo, Đại diện Vụ Pháp chế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, Hiện nay, các hành vi vi phạm về quyền thụ hưởng BHXH, đặc biệt là các hành vi nhằm trục lợi quỹ BHXH, BHYT là hiện tượng phổ biến ở nhiều địa phương. Những hành vi gian lận trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng của các quỹ bảo hiểm, ảnh hưởng gián tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động... Vì vậy, những hành vi này cần được xử lý kịp thời cũng như áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn nữa đủ sức răn đe và phòng ngừa.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự, Hành chính, Bộ Tư pháp Trần Văn Dũng nhấn mạnh, một vấn đề nổi cộm vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN là tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động ngày càng gia tăng với số tiền lớn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nghiêm trọng hơn có nhiều đơn vị nợ BHXH của người lao động trong thời gian dài, có trường hợp doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, gây ảnh hưởng đến các chế độ BHXH, BHYT, BHTN tội gian lận BHYT và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Chia sẻ và thảo luận tại hội thảo, các đại biểu thống nhất quan điểm của BHXH Việt Nam đều đồng tình cho rằng, trước khi xử lý hình sự các vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chủ động như đẩy mạnh các biện pháp thực hiện công tác thu, thu nợ; tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nợ BHXH với thời gian kéo dài, số nợ lớn; thông tin rộng rãi tình hình nợ BHXH của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tuyên truyền về các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT được hình sự hóa tại Bộ luật Hình sự… Đồng thời, các đại biểu đã chia sẻ, gợi mở nhiều vấn đề xoay quanh việc triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN như các giải pháp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT, BHTN; trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành BHXH Việt Nam trong việc chuyển các dấu hiệu vi phạm, kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm…