Rõ trách nhiệm, lộ trình, thời gian giải quyết
Trên cơ sở 18 nội dung đề nghị chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đã lựa chọn 3 nhóm vấn đề được nhiều cử tri và dư luận quan tâm, gồm: thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; xây dựng bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai năm 2024; giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Thực hiện quyền chất vấn, đã có 6 đại biểu đại biểu HĐND tỉnh chất vấn đối với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Căn cứ nội dung trả lời chất vấn và cam kết của người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, Chủ tọa Kỳ họp đã yêu cầu các “tư lệnh” ngành thông tin và truyền thông, tài nguyên và môi trường giải trình, làm rõ các nội dung đại biểu và cử tri còn băn khoăn. Đồng thời, kết luận rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, đề ra lộ trình, tiến độ thời gian thực hiện để giải quyết những vấn đề đã được đại biểu quan tâm để cử tri, nhân dân và đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, giám sát. HĐND tỉnh cũng thống nhất thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 theo quy định.
Theo dõi phiên chất vấn qua sóng truyền hình trực tiếp, cử tri nhiều địa phương trong tỉnh đánh giá cao công tác điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa. Nội dung trả lời chất vấn rõ ràng, đúng trọng tâm trọng điểm của các sở, ngành, địa phương; nhất là các nội dung liên quan đến giải pháp hỗ trợ sau bão số 3, công tác chuyển đổi số... Đặc biệt, vấn đề cử tri quan tâm là sớm ban hành bảng giá đất điều chỉnh để các chính sách về đất đai mới nhanh chóng đi vào cuộc sống đã được Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường trả lời, làm rõ. Trong đó, có nhắc đến những bất cập trong trình tự giải quyết hồ sơ, do chưa có bảng giá đất điều chỉnh, dẫn đến việc dừng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan gây khó khăn cho người dân… Lãnh đạo Sở cũng nêu rõ về trình tự thủ tục điều chỉnh bảng giá đất theo quy định pháp luật cần rất nhiều thời gian. Vì vậy, Sở đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy nhanh quá trình triển khai xây dựng và ban hành, áp dụng bảng giá đất; khẩn trương cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án điều chỉnh bảng giá đất.
Đẩy nhanh tốc độ, hoàn thành giao khu vực biển
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, một nội dung khác được đại biểu, cử tri toàn tỉnh hết sức quan tâm là Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27.11.2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã yêu cầu hoàn thành giao khu vực biển trong quý II.2024. Tuy nhiên, đến nay tiến độ giao khu vực biển trên địa bàn rất chậm, không đạt mục tiêu nghị quyết. Đặc biệt, từ sau cơn bão số 3 (Yagi), yêu cầu sớm bàn giao khu vực biển để người dân, doanh nghiệp sớm khôi phục phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy, hải sản càng trở nên bức thiết.
Điều đáng chú ý là trong nội dung trả lời chất vấn về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Như Long lại chưa khẳng định được khi nào công tác bàn giao biển mới có thể hoàn thành. Ngay sau đó, nội dung trả lời này đã nhận được phản hồi không đồng tình từ Chủ tọa kỳ họp. Theo Chủ tọa kỳ họp, cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại, mất mát, đau xót đối với người dân nuôi biển và thủy sản Quảng Ninh. Việc chưa được giao biển càng khiến người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thời gian tới, Chủ tọa kỳ họp đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản nói chung và giao khu vực biển nói riêng; đẩy nhanh tốc độ, hoàn thành giao khu vực biển; hình thành HTX, tăng quy mô, khoa học công nghệ; tiếp tục cơ cấu lại ngành thủy sản, phát triển lĩnh vực nuôi biển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị…
Đối với các địa phương, tiếp tục công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch, đặc biệt là thông tin cụ thể tọa độ, ranh giới khu vực biển sắp xếp cho người dân và phục vụ thu hút đầu tư nuôi biển công nghiệp. Trên cơ sở đề án, phương án nuôi trồng thủy sản của địa phương, có kế hoạch giao khu vực biển trên địa bàn quản lý; rà soát, xác định cụ thể nhu cầu sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; phân rõ thẩm quyền giao khu vực biển, nhu cầu diện tích khu vực biển, đối tượng chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi biển…
Về phía các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tọa đề nghị, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đầy đủ các quy trình, thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản, giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường… Đồng thời, hỗ trợ tối đa cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính để người dân phát huy hiệu quả việc nuôi biển, phát triển kinh tế biển bền vững.