Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao
Trong Nghị quyết, Quốc hội nhận định, giai đoạn 2015 - 2021, thị trường bất động sản phát triển sôi động nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, mất cân đối cung - cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp và cho mục tiêu đầu tư tài chính, thiếu sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân.
Giai đoạn 2022 - 2023, thị trường bất động sản suy giảm; nguồn cung giảm mạnh so với giai đoạn trước; giá bất động sản tăng cao gấp nhiều lần so với mức tăng thu nhập trung bình của đa số người dân...
Về nhà ở xã hội, Nghị quyết chỉ rõ, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành trong giai đoạn 2015 - 2023 còn thiếu tính ổn định; một số quy định pháp luật về phát triển nhà ở xã hội chưa được hướng dẫn cụ thể; vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật gây vướng mắc cho việc thi hành; việc áp dụng các quy định pháp luật còn phức tạp, còn có cách hiểu khác nhau, cần hướng dẫn nhiều lần, nhất là đối với việc áp dụng các quy định chuyển tiếp.
“Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp, khó khả thi”, Nghị quyết nhấn mạnh.
Bên cạnh việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, Nghị quyết chỉ ra nguyên nhân chủ quan đó là, chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản thuộc nhiều ngành, lĩnh vực, do nhiều cơ quan, đơn vị chủ trì với những quan điểm khác nhau về công tác quản lý nhà nước, còn thiếu sự thống nhất trong quan điểm tiếp cận, xây dựng, thực hiện chính sách.
Đáng lưu ý, công tác tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội vẫn là khâu yếu, hiệu quả chưa cao. Các địa phương có tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện các dự án trên địa bàn chưa sát sao, giải quyết thủ tục chưa kịp thời.
Chú trọng kiểm tra chất lượng nhà ở xã hội
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, Nghị quyết đã giao Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền đối với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024.
Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, đến nay, Chính phủ đã ban hành đủ các nghị định; các Bộ, ngành đã ban hành các thông tư theo quy định tại các luật.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ ra, “hiện còn Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc sử dụng kinh phí để xây dựng, điều tra thu thập thông tin, cập nhật, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; hướng dẫn xác định giá cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật về giá; hướng dẫn quản lý và sử dụng số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản chưa được ban hành; một số địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn các nội dung theo yêu cầu."
Nhấn mạnh, phần lớn các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết đã đủ rõ để triển khai thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số nhiệm vụ, giải pháp như: “Có cơ chế giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý”; “Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở”; “Thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”… liên quan đến các chương trình, đề án cụ thể, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai theo nội dung của các chương trình, đề án đó.
Đối với việc xử lý những dự án gặp vướng mắc pháp lý đã có kết luận của cấp có thẩm quyền, liên quan đến những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, “Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa”.
Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý hoặc đã được phân cấp, giao quyền cho Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, điểm d, khoản 1 Điều 2, dự thảo Nghị quyết đã giao Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Theo đó, Nghị quyết giao Chính phủ có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”.
Giải quyết dứt điểm những dự án thuộc phạm vi xử lý theo thẩm quyền hoặc đã được phân cấp, giao quyền cho Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục rà soát các dự án khác có khó khăn, vướng mắc pháp lý, hạn chế tối đa ảnh hưởng của việc rà soát đến hoạt động kinh doanh bình thường, liên tục và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp và người dân; phân loại, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất cơ chế giải quyết phù hợp để báo cấp có thẩm quyền.
Nghị quyết quyết nghị, Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết trong quý I.2025.