TP Hồ Chí Minh

Xử lý dứt điểm các điểm đen ô nhiễm rác

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 06:59 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, thời gian tới, bên cạnh việc giải quyết những điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm mới, TP Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm vi phạm về vệ sinh môi trường cũng như quy định rõ trách nhiệm của UBND quận, huyện đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi trên đường.

Giải tỏa 96,7% điểm ô nhiễm rác

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19.10.2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường. Kết quả trong quý I.2020, TP Hồ Chí Minh đã xóa được 715/747 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải. Từ tháng 4 đến tháng 7, các quận, huyện tiếp tục giải quyết được thêm 20 điểm ô nhiễm đã rà soát trong quý I. Bên cạnh đó, theo báo cáo chính thức của các quận, huyện, thành phố về quá trình rà soát, công tác giải quyết điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải đến hết tháng 7.2020, đã thêm 77 điểm ô nhiễm mới do tồn đọng rác thải và 8 điểm tái phát sinh. Dưới sự nỗ lực của UBND 24 quận, huyện, đến nay, đã giải tỏa được 70/85 điểm.

Vớt rác trên sông Vàm Thuật - Bến Cát
Nguồn: ITN

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 đến nay, thành phố đã rà soát, giải tỏa được 797/824 điểm ô nhiễm về rác thải (96,7%), chuyển hóa 142 điểm thành khu vực sinh hoạt cộng đồng và hiện còn 27 điểm đang tiếp tục triển khai giải quyết. Công tác tổng vệ sinh các khu vực phát sinh rác trên địa bàn tiếp tục được các quận, huyện quan tâm và xem đây là công tác thường xuyên, được sự quan tâm, phối hợp của cả hệ thống chính trị tại địa phương.

Để bảo đảm chất lượng vệ sinh, mỹ quan đô thị của thành phố, trong 7 tháng năm 2020, các quận, huyện cũng đã trang bị thêm hơn 3.700 thùng rác công cộng trên các tuyến đường và tuyến hẻm trên địa bàn phục vụ nhu cầu thải bỏ rác sinh hoạt của người dân thành phố. Rà soát, thống kê có 373 thùng rác bị mất, hư hỏng... Tổng số thùng rác công cộng được trang bị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến nay là hơn 37.400 thùng.

Ngoài ra, UBND 24 quận, huyện cũng duy trì và triển khai phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường và trật tự đô thị. Cùng với đó, các quận, huyện cũng tiến hành xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung camera an ninh kết hợp theo dõi giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường.

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo đánh giá của nhiều địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, việc triển khai Chỉ thị số 19 thời gian qua được duy trì và thực hiện thường xuyên với nhiều kết quả tích cực góp phần quan trọng vào công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư; cũng như tiếp tục tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch, thải rác đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, qua kiểm tra giám sát việc giải quyết, duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên địa bàn các quận, huyện trong 6 tháng năm 2020 vẫn ghi nhận có 11 điểm ô nhiễm thường xuyên tái phát sinh rác thải; một số tuyến đường, công trình công cộng, công trường xây dựng… còn tình trạng thải bỏ rác bừa bãi. Đồng thời, một số ít người dân có nhà trên và ven kênh rạch vẫn còn thói quen xả rác trực tiếp xuống kênh rạch; chất thải rắn cồng kềnh chưa được thu gom triệt để, còn phát sinh bừa bãi trên các tuyến đường… Điều này cho thấy, hành vi ứng xử với môi trường của một bộ phận người dân vẫn chưa được cải thiện.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai kế hoạch Xây dựng thành phố Xanh - Thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025 với các giải pháp xây dựng cơ quan, công sở xanh, trường học xanh, bệnh viện xanh, công viên xanh, tôn tạo cây xanh và tạo các mảng xanh trên các tuyến đường; thành phố sẽ tập trung giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo và không để phát sinh điểm mới. Đặc biệt, để xử lý triệt để các điểm đen về rác thải cần thiết phải quy định trách nhiệm của UBND quận, huyện đối với tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi trên đường.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho biết, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm vi phạm về vệ sinh môi trường, các trường hợp lấn chiếm cửa xả, hầm ga thoát nước, lấp bít miệng thu nước, công trình lấn chiếm trên kênh rạch… Mặt khác, đẩy mạnh triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera tại các khu dân cư để xử lý vi phạm vệ sinh môi trường. Thông qua hình ảnh ghi nhận được sẽ nhắc nhở trực tiếp qua tổ dân phố hoặc xử lý bằng hình thức phạt tiền. 

Lê Chi