Xu hướng quốc hữu hóa đang trở lại?
Ngân hàng Trung ương, Cục dự trữ liên bang, Ngân hàng Anh quốc và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bơm một lượng tiền chưa từng có để cứu nền kinh tế. Một loạt sự can thiệp của Nhà nước vào hệ thống tài chính, đặc biệt là vụ quốc hữu hóa tập đoàn bảo hiểm khổng lồ của Mỹ (AIG) đã khiến báo chí và các học giả phương Tây đặt câu hỏi: vai trò quản lý của Nhà nước đang quay trở lại các nước tư bản?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cho biết đang xem xét việc tái lập Công ty ủy thác giải quyết tình trạng nợ xấu (RTC) để thâu tóm toàn bộ các khoản nợ xấu. Trước đó, các ngân hàng trung ương gồm Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BOE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (NSB), Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã cam kết rót tổng cộng 290 tỷ USD để cứu nguy hệ thống ngân hàng đã phần nào làm yên lòng giới đầu tư. Như vậy, để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu, riêng trong tuần lễ vừa qua các ngân hàng trung ương thế giới đã rót tổng cộng hơn 600 tỷ USD hỗ trợ hệ thống các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, FED đã có một hành động chưa từng có tiền lệ khi bơm cho AIG tới 85 tỷ USD để tránh nguy cơ tập đoàn bảo hiểm rủi ro tài chính này sụp đổ. Đổi lại, FED sẽ nắm giữ gần 80% cổ phần của AIG. Hành động trên diễn ra chỉ 9 ngày sau khi Chính phủ Mỹ quốc hữu hóa hai tập đoàn tài chính khổng lồ khác là Fannie Mae và Freddie Mac, đang trong cơn ngắc ngoải sau sự sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ. Tuy nhiên, nếu một loạt hành động can thiệp của FED kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra đều nhận được sự thông cảm từ giới phân tích, thì vụ quốc hữu hóa AIG đang làm bùng nổ một cuộc tranh cãi chưa từng có xung quanh việc Nhà nước đang trở lại nắm quyền điều hành kinh tế ở Mỹ và các nước theo thị trường tự do?
Khác với Fannie Mae và Freddie Mac - hai tập đoàn dù trên danh nghĩa không phải là công ty nhà nước, nhưng lại được coi là “con nuôi” của FED, AIG là công ty tư nhân hoàn toàn. Vì thế, việc FED nắm giữ tới 80% cổ phần của AIG khiến các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn nước Mỹ không khỏi đặt câu hỏi đâu là cơ sở cho phương cách can thiệp chưa từng có của Nhà nước vào khu vực tư nhân, tại một đất nước tự do hóa như Mỹ và lại dưới Chính phủ của đảng Cộng hòa? Nhà kinh tế Nouriel Roubini, giảng viên tại Đại học New York cho biết: “Tuần trước, chúng tôi từng tranh cãi rằng với việc quốc hữu hóa Fannie và Freddie, Tổng thống Bush, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson và Chủ tịch FED Ben Bernanke bắt đầu đưa đất nước sang cơ chế quốc hữu hóa. Xu hướng này được tiếp tục khẳng định bằng quyết định quốc hữu hóa AIG”. Không ít chính khách băn khoăn về quyết định táo bạo của FED khi nhúng tay vào lĩnh vực tư nhân. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng: “Khoản vay lên đến 85 tỷ USD là số tiền quá lớn, điều đó đồng nghĩa với việc Chính phủ đang đẩy người dân Mỹ trước một rủi ro quá cao”.
Mối lo ngại rằng đây chưa phải là điểm dừng của chính sách can thiệp bởi Tổng thống Bush vừa hủy bỏ hai chuyến công du trong nước để tiếp tục thảo luận với các cố vấn riêng về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và những phương thuốc mà Chính phủ có thể tiếp tục kê toa. Cả hai ứng cử viên Mỹ Barack Obama của đảng Dân chủ và John McCain của đảng Cộng hòa đều bảo vệ chính sách can thiệp của Nhà nước để ngăn chặn sự vỡ vụn của thị trường tài chính. Hai ứng cử viên đã kêu gọi “một chính sách quản lý chặt hơn”. Nếu đây là quan điểm truyền thống của phe Dân chủ - vốn vẫn ủng hộ thuyết “bàn tay hữu hình”, thì đây lại là một quan điểm khá xa lạ đối với ứng cử viên phe Cộng hòa McCain, một đảng luôn hâm mộ thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smit cùng những luận đề về thị trường tự do.
Câu hỏi đặt ra là sự can thiệp của Chính phủ liên bang có đánh dấu sự quay trở lại của Nhà nước? Nhà kinh tế Jacques Généreux thuộc Viện Nghiên cứu chính sách của Pháp đã bác bỏ quan điểm này. Theo ông, không thể nói đây là sự “trở lại” của Nhà nước bởi thực tế Nhà nước chưa bao giờ “vắng bóng” trong quá trình điều tiết kinh tế Mỹ. Sự can thiệp này không giống với kiểu Nhà nước bao cấp và phân phối, mà đúng hơn là Nhà nước đang được tư nhân hóa vì thị trường và vì lợi nhuận. Nhà nước để cho thị trường, doanh nghiệp vận hành một cách tự do nhất, nhưng cũng phải biết can thiệp một cách khẩn cấp nhất khi có biến”. Cùng chia sẻ quan điểm này Nhà nhiên cứu Hoàng Ngọc Liêm của trung tâm Kinh tế Đại học Sorbonne, Pháp, cho rằng: “Trong quá khứ, không ít lần Chính phủ liên bang đã tạm gác sang một bên vấn đề “hệ tư tưởng” để can thiệp giúp các nhà băng và doanh nghiệp gặp khó khăn. Hành động đó thể hiện lối tư duy thực tế”.
Một số nhà phân tích khác phân tích cụ thể hơn, rằng hành động của FED không phải là quốc hữu hóa vì FED không có ý định quản lý AIG mà chỉ đơn thuần là việc “đầu tư” vốn vào AIG và nhận một phần lợi nhuận từ đó. Thỏa thuận giữa FED và AIG có vẻ được kết cấu theo cách thức cứu trợ tập đoàn Chrysler trong những năm 1980, theo đó, Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho số cổ phiếu đặc biệt. Khoản vay này phải trả lãi rất cao, do vậy sẽ khuyến khích AIG nhanh chóng bán hạ giá số tài sản của họ để trả nợ. Vấn đề hiện nay phụ thuộc vào việc AIG sẽ quyết định bán tài sản nào và trong thời gian bao lâu, điều mà một số nhà phân tích cho là phải được tiến hành khẩn cấp vì những khó khăn rõ rệt của tập đoàn có thể khiến cho các khách hàng xa lánh. Những nhà phân tích này cho rằng, Chính phủ Mỹ đã chọn biện pháp ít gây thiệt hại hơn cả để đẩy lùi một cơn sốc nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu, vốn đang rất mong manh, giúp các thị trường được xoa dịu phần nào bởi sẽ không có hai vụ phá sản lớn cùng một lúc.
Theo RFI