Xu hướng phát triển là gì?
Sản xuất nông nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của nước ta. Gần đây, xu hướng phát triển ngành trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất tương thích từ giống cây trồng, quy trình kỹ thuật canh tác, quản trị nông trại, bảo quản và chế biến nông sản, phân phối, tiêu thụ nông sản. Vì vậy, các đại biểu mong muốn, dự thảo luật sẽ đưa ra tầm nhìn về xu hướng phát triển của ngành trồng trọt.
Tính đặc thù vùng, miền
Tại Hội thảo tham gia ý kiến về các dự án luật do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về dự án Luật Trồng trọt. Các ý kiến đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển trồng trọt, những vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết về mặt chính sách, pháp luật. Theo đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm và bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đã tạo nên một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như chè, rau, hoa, cà phê arabica… Sản lượng xuất khẩu năm 2017 của tỉnh đạt 10.744 tấn, với giá trị 27,44 triệu USD; hoa đạt 291,4 triệu cành, trị giá 34 triệu USD; cà phê đạt 98.329 tấn, giá trị 203 triệu USD; chè đạt 12.314 tấn, giá trị 27,9 triệu USD.
![]() Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại hội nghị |
Ảnh: H. Ngọc |
Việc phát triển trồng trọt công nghệ cao cũng giải quyết mâu thuẫn giữa năng suất nông nghiệp thấp, sản phẩm chất lượng thấp, đầu tư lao động nhiều, hiệu quả kinh tế thấp với việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ để bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định, năng suất và sản phẩm chất lượng cao, có hiệu quả, làm cho ưu thế nguồn tài nguyên của nước ta đạt hiệu quả lớn nhất, hài hòa và thống nhất lợi ích xã hội, kinh tế và sinh thái môi trường. Vì vậy, mong muốn của tỉnh Lâm Đồng là dự án Luật Trồng trọt cần sớm thể hiện quan điểm phát triển nền nông nghiệp bền vững, toàn diện, hiện đại. Bán được và tiêu thụ được hàng hóa. Nông dân cũng chủ động hơn trong sản xuất, có kế hoạch và khắc phục được tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp.
Minh chứng cho thấy, do ứng dụng công nghệ cao, không phải phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết, tỉnh Lâm Đồng đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp trái vụ có giá bán cao hơn. Ví dụ, trồng cà chua cho ra năng suất từ 200 - 250 tấn sản phẩm/ha/năm, trong khi với cách sản xuất truyền thống chỉ đạt 40 - 50 tấn/ha/năm.
Thế nhưng không phải tỉnh nào cũng ứng dụng được nông nghiệp công nghệ cao như Lâm Đồng, đại diện Đại học Nông Lâm Thái nguyên cho biết, các tỉnh miền Bắc, nhất là ở vùng miền núi, vùng cao chưa có nhiều lợi thế về đất đai, thủy lợi. Ở miền núi, vùng cao, đất cằn, sỏi đá, thậm chí sói mòn gây không ít khó khăn cho người dân khi trồng trọt cũng như ứng dụng công nghệ cao. Hơn nữa, trồng trọt ở một số tỉnh, thành phố còn mang tính tự phát, dựa vào lợi nhuận trước mắt. Cho nên, cần tính đến đặc thù vùng, miền khi xây dựng dự án Luật Trồng trọt. Đặc biệt trong xu hướng phát triển trồng trọt cần chú trọng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Thực tế, có trường hợp thương hiệu nông sản không được công nhận đúng giá trị và chưa được xã hội chấp nhận. Đơn cử, sản xuất chè hữu cơ, sản phẩm làm ra giá thành cao hơn, cho nên không được người dân mặn mà hưởng ứng. Dù rằng quy trình sản xuất nghiêm ngặt hơn, chất lượng hơn. Thực tế này sẽ được giải quyết trong dự án Luật trồng trọt như thế nào? Giải pháp ứng dụng công nghệ cao cho từng vùng, miền ra sao?
Chưa có chính sách riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số
Một vấn đề nữa cũng được nhiều đại biểu lưu ý là, chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số trong trồng trọt. Tại tỉnh Lâm Đồng, đáng mừng là đã có sự tham gia của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều mô hình hiệu quả tạo sức lan tỏa giúp đồng bào ổn định đời sống, làm giàu từ trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Không chỉ vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bằng áp dụng công nghệ tổng hợp và tự động hóa trong trồng trọt trong nhà lưới, nhà kính như: Giá thể, công nghệ thủy canh, tưới nước tiết kiệm, điều tiết tự động, dinh dưỡng, ánh sáng, chăm sóc, thu hoạch; quy trình sản xuất cây trồng an toàn theo VietGap đang là giải pháp hữu hiệu trong quản lý chất lượng nông sản ngay tại đồng ruộng, người nông dân cũng không phải đầu tắt, mặt tối nữa. Ngược lại ở tỉnh miền núi, phía Bắc, tình trạng thiếu đất sản xuất khá phổ biến, lại không ứng dụng được công nghệ cao khiến nhiều đại biểu mong muốn, dự án Luật Trồng trọt cần có chính sách riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn.
Thừa nhận rằng còn có sự sao nhãng và chưa có sự ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển trồng trọt, đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ NN - PTNT cho biết, sẽ xem xét bổ sung quy định này trong dự án Luật Trồng trọt. Đối với những vấn đề mà các đại biểu có đề cập như xu hướng phát triển, liên kết chuỗi tiêu thụ trong trồng trọt, đại diện lãnh đạo Cục trồng trọt cho biết, trước đây khi xác định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Trồng trọt, có ý kiến cho rằng, chỉ nên điều chỉnh những nội dung có liên quan đến trồng trọt, như canh tác, giống cây trồng. Tuy nhiên qua nhiều ý kiến phát biểu, Ban soạn thảo cũng đang xem xét làm rõ và chú trọng hơn kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu trồng trọt, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Bảo đảm tính liên tục theo chuỗi hệ thống.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành bổ sung, dự án Luật Trồng trọt cũng cần quy định rõ hơn mô hình canh tác trồng trọt, chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản và ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong trồng trọt ứng dụng công nghệ cao.
Sản xuất nông nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của nước ta; trong đó có trồng trọt. Gần đây, xu hướng phát triển ngành trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất tương thích từ giống cây trồng, quy trình kỹ thuật canh tác, quản trị nông trại, bảo quản và chế biến nông sản, phân phối, tiêu thụ nông sản. Vì vậy, mong muốn của các đại biểu là, dự thảo luật sẽ đưa ra tầm nhìn về xu hướng phát triển của ngành trồng trọt như thế nào? Làm thế nào để người nông dân có thể áp dụng trồng trọt ứng dụng công nghệ cao? Ban soạn thảo phải trả lời cho được các câu hỏi này.