Xu hướng niêm yết tại thị trường AIM

VŨ ĐÀO 26/05/2008 00:00

      Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước sụt giảm mạnh như hiện nay, nếu niêm yết thành công tại thị trường quốc tế là chiến lược huy động vốn lâu dài. Hiệu quả của quá trình vốn hoá thị trường cũng sẽ được phản ánh qua quá trình này. Đây là yếu tố rất quan trọng sẽ giúp các doanh nghiệp, ngay cả doanh nghiệp có quy mô nhỏ, có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược với nguồn vốn dồi dào và bề dày kinh nghiệm quản lý ở trình độ cao. Ngoài ra, việc niêm yết thành công tại TTCK nước ngoài là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và tạo được sự ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính.  
      Nhưng quy trình niêm yết tại TTCK nước ngoài rất khắt khe. Theo đó, doanh nghiệp muốn niêm yết trên các TTCK quốc tế chính thức buộc phải tuân thủ theo các quy trình mà Ủy ban Chứng khoán nước sở tại đã quy định. Đây là những yêu cầu buộc các doanh nghiệp phải đầu tư về cả thời gian cũng như nguồn lực tài chính cho dù các doanh nghiệp đã tiến hành IPO hoặc đã niêm yết tại TTCK trong nước. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là sự khác biệt về chuẩn mực kế toán, kiểm toán của Việt Nam với thông lệ quốc tế. Muốn niêm yết tại TTCK nước ngoài, các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tài chính và quản trị công ty minh bạch theo các quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa nắm rõ những quy chuẩn này và việc phải thực hiện cùng lúc các tiêu chuẩn khác biệt dẫn đến rất dễ sai sót trong quá trình thực hiện báo cáo, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và giá trị của doanh nghiệp. Và theo đánh giá, hiện hầu hết các bản cáo bạch của các doanh nghiệp Việt Nam rất sơ sài, không có vai trò của kiểm toán, trong khi, ở các nước khác, doanh nghiệp còn phải mô tả về dự báo kế hoạch trong tương lai một cách cụ thể  và đều phải qua kiểm toán.  
      Trong khi điều kiện để doanh nghiệp niêm yết trên các TTCK chính thức của nước ngoài là rất khắt khe và các doanh nghiệp trong nước khó có thể đáp ứng được yêu cầu vì những lý do về chuẩn mực tài chính theo thông lệ quốc tế, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển hướng sang các thị trường đầu tư có lựa chọn như thị trường AIM (thị trường đầu tư lựa chọn) của Sở Giao dịch Chứng khoán London, Anh. Nếu như trên các thị trường chứng khoán quốc tế chính thức, cơ hội cho các công ty nhỏ huy động vốn là rất ít thì ngược lại, trên thị trường AIM, các công ty có quy mô nhỏ có cơ chế quản lý tốt thì sau đợt IPO đầu tiên, cơ hội huy động vốn là rất lớn. Các chuyên gia của Sở Giao dịch Chứng khoán London cho rằng, thị trường AIM là mô hình khá phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như các doanh nghiệp của Việt Nam, bởi các doanh nghiệp niêm yết không phải chịu quá nhiều các quy định ngặt nghèo. 
      Không có tiêu chuẩn nào về quy mô công ty, cách thức giao dịch hay số lượng cổ phiếu được đưa ra đại chúng bắt buộc đối với một công ty muốn niêm yết trên AIM. Các doanh nghiệp chỉ phải tuân theo duy nhất quy chế niêm yết chung tại London là các công ty phải thông qua nhà tư vấn được chỉ định (Nomad). Các nhà tư vấn này sẽ xác định doanh nghiệp có thích hợp tham gia thị trường hay không. Nếu hội đủ điều kiện, họ sẽ đóng vai trò điều phối trong quá trình niêm yết cũng như tư vấn cho các doanh nghiệp những điều cần tuân thủ sau niêm yết. Ủy ban Chứng khoán Anh không trực tiếp quản lý các công ty niêm yết mà chỉ quản lý nhà tư vấn và nhà tư vấn sẽ chịu trách nhiệm trước Sở Giao dịch Chứng khoán. Hiện tại chỉ có 85 Nomad được cấp giấy chứng nhận là cố vấn ủy thác cho doanh nghiệp để niêm yết tại AIM. Thời hạn cho việc tìm kiếm một cố vấn ủy thác là 1 tháng. Chi phí cho việc phát hành lần đầu (IPO) là 4 - 8% tổng doanh số phát hành. Toàn bộ quy trình chuẩn bị cho việc niêm yết đến khi được kiểm duyệt chỉ mất khoảng từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Quỹ đầu tư Indochina Capital Vietnam Holding Limited cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng thuận lợi trong việc niêm yết tại  AIM. Mặc dù vậy, đó vẫn là những điều kiện rất “mềm” đối với những doanh nghiệp khi muốn tìm kiếm nguồn vốn từ các TTCK quốc tế. Theo thống kê, hiện đã có 6 công ty nước ta niêm yết thành công trên thị trường AIM. Các ngành khai khoáng, tài chính, các dịch vụ hỗ trợ bất động sản, dịch vụ máy tính và phần mềm là những ngành nóng nhất trên thị trường AIM. 
      Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực viễn thông, tài chính ngân hàng, hàng hóa tiêu dùng, kinh doanh phát triển các khu công nghiệp đô thị, bất động sản... ở Việt Nam đều đã có chiến lược niêm yết tại các TTCK nước ngoài.

VŨ ĐÀO

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xu hướng niêm yết tại thị trường AIM
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO