Tự chủ trong giáo dục Đại học - Từ chính sách đến thực tiễn

Xu hướng không thể đảo ngược

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:46 - Chia sẻ
Tự chủ ví như “con dao hai lưỡi”, thực hiện tốt sẽ thúc đẩy cơ sở giáo dục đại học phát triển mạnh mẽ, và ngược lại có thể tác động đến sự tồn vong của các trường. Song dù muốn hay không, công cuộc tự chủ, đổi mới giáo dục đại học là quá trình liên tục và là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược.

Tính hai mặt

Phiên họp chuyên đề “Đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục đại học: Thuận lợi, khó khăn và giải pháp” do Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức sáng 19.11, đã bàn đến những vấn đề mang tính then chốt của tự chủ đại học. Thực tế thời gian qua, tự chủ trong giáo dục đại học đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, bước đầu được đánh giá tích cực, có thành tựu nhất định và được xã hội công nhận.

Đơn cử, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn tiến hành tự chủ từ năm 2017, và đạt được nhiều kết quả. Hiệu trưởng nhà trường, PGS. TS Đỗ Văn Dũng cho biết: “Tự chủ mà chất lượng kém thì không khác gì 'tự sát', nhưng rõ ràng, tự chủ là tất yếu. Những năm qua, nhà trường đã thực hiện tự chủ sâu rộng trong hầu hết lĩnh vực, liên tục đổi mới sáng tạo, cố gắng đưa những luồng gió mới của thời đại vào cuộc sống mới của mọi thành viên và tất cả hoạt động của nhà trường. Tự chủ đại học và đổi mới song hành, đã và đang đạt được những thành công vượt bậc”.

“Tự chủ mà chất lượng kém thì không khác gì 'tự sát'” - điều đó đã nói lên tính chất hai mặt của tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học. Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS. TS Nguyễn Văn Minh, tự chủ đại học là vấn đề vĩ mô song cũng rất cụ thể, có tác động mang tính hệ thống đến phát triển đại học. Nhiều vấn đề đặt ra về học thuật, tổ chức bộ máy nhân sự, nhất là vấn đề tự chủ tài chính..., nếu làm không cẩn thận để dẫn tới áp lực, sẽ dễ xảy ra tình trạng “mua bán tri thức”.

Đi từ câu chuyện của 23 trường được giao quyết định tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, TS Lê Đông Phương chỉ ra, mặc dù được coi như một mẫu hình về thực hiện tự chủ đại học, song các trường cũng cho thấy nhiều bất cập chưa thể khắc phục. “Tự chủ nhưng chừng nào vẫn tư duy coi đó là một tổ chức hành chính sự nghiệp thì khó tránh khỏi còn nhiều ràng buộc, như học phí tự thu nhưng muốn chi tiêu, đầu tư chỗ nào cũng phải cân nhắc, giới hạn như tiêu ngân sách. Rồi khi nhìn từ góc độ hệ thống, dường như tự chủ đang bị một số đơn vị lợi dụng, cứ chạy theo dư luận xã hội, chỉ nói về quyền mà không lưu tâm tự chủ vốn dĩ là phẩm chất của nhà trường, mà phẩm chất không tách rời trách nhiệm...”.

Tự chủ đại học là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam  

Dò đá qua sông”

Hội thảo Giáo dục - VEC 2020 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ phối hợp tổ chức ngày 27.11 tới sẽ có chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận về tự chủ đại học; đề xuất ý tưởng, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách và việc thực thi chính sách, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu quả tự chủ trong giáo dục đại học...

Tự chủ không chỉ liên quan đến cơ sở giáo dục đại học công lập mà có lẽ phải nhìn nhận rõ đó là thuộc tính của hệ thống các trường đại học. Từ nhận định này, Chủ tịch Đại học FPT, TS Lê Trường Tùng nhấn mạnh: Tự chủ thì phải nhanh, nhưng cơ chế xin - cho từ trước đến nay đã kìm hãm cái “nhanh” này. Cho nên, câu chuyện không còn là tự túc hay không tự túc nữa, mà tự chủ đã trở thành tất yếu, được khẳng định là quyền tự quyết trong hành lang pháp lý. “Nói vậy thì hành lang pháp lý phải đủ rộng. Nếu hành lang pháp lý hẹp thì các trường chen chúc nhau, cuối cùng khó vẫn hoàn khó. Bây giờ thời đại thay đổi, phát triển gắn với tốc độ, ví von thì là giờ đây 'cá nhanh nuốt cá chậm' chứ không phải 'cá lớn nuốt cá bé' nữa. Tự chủ là để các trường được đổi mới sáng tạo, được phát triển với tốc độ nhanh”.

Có điều, trong bối cảnh đòi hỏi sự phát triển với tốc độ nhanh như vậy, nhiều vấn đề liên quan đến nguồn lực, cơ chế vận hành đang có sự vướng mắc, chồng chéo, hoặc làm nhưng chưa tới. Như phân tích của Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh, PGS. TS Trần Diệp Tuấn về tổ chức bộ máy, nhân sự: Cỗ xe đảng ủy - hội đồng trường - hiệu trưởng vận hành như thế nào khi quy trình bổ nhiệm vẫn phải tuân thủ Luật Viên chức, nghĩa là vẫn có sự kiểm soát từ trên xuống dưới? Nhiều quy định của các luật khác đang kìm hãm sự tiến bộ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Hay khi xảy ra sự cố, phải “tuýt còi” ai, truy cứu trách nhiệm thuộc về ai... chưa được chỉ ra. Ngay chính sách đặt hàng của Chính phủ đối với các trường đến thời điểm này cũng chưa rõ ràng.

Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Quang Linh nêu quan điểm, tự chủ đại học là vấn đề quan trọng, cần có chính sách phù hợp, sao cho từ đó thúc đẩy giá trị của giáo dục đại học tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tự chủ đi liền với quản trị, nếu chỉ chăm chăm đi tìm giải pháp phân xử quyền lực trong nhà trường thì rất khó để tập trung phát triển, chưa kể làm đúng luật này lại “trật” luật khác.

Cùng tâm tư về vấn đề mối quan hệ giữa các thiết chế trong và ngoài nhà trường, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, TS Phạm Hồng Quang thẳng thắn: “Tự chủ phải khai phóng tư tưởng để phục vụ cộng đồng, thay vì như hiện nay các đơn vị vừa làm vừa sợ. Đôi khi có những việc chúng tôi thậm chí cảm thấy tốt nhất là không làm, vì làm là vướng”.

Không để “dò đá qua sông”, vừa làm vừa sợ, những tồn tại thời gian qua trong các cơ sở giáo dục đại học cần được nhận diện, giải quyết rốt ráo, bảo đảm thực hiện tốt tự chủ đại học. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn, là xu hướng không thể đảo ngược. Nhưng thực hiện tự chủ là cả quá trình, mấu chốt là thay đổi nhận thức, quan điểm của các bên liên quan. “Hệ thống vận hành đang trong thời kỳ quá độ, tháo gỡ từng vướng mắc nhưng có sự chuyển dịch theo chiều tích cực. Đó là cơ sở để từng bước chúng ta học hỏi, làm tốt hơn, đẩy mạnh tự chủ đại học, đem lại những khởi sắc và đột phá”.

Thái Minh