Xóm chài “khát” chữ
Gọi là xóm nhưng chỉ có 17 hộ và cũng chỉ có ba chiếc chòi rách được dựng tạm bên sông thay nhà, còn phần đông các hộ gia đình khác vẫn sống lênh đênh trên những con thuyền của mình. Nhớ những năm trước, người dân xóm chài này cứ bám dọc con sông Lạch Tray trên địa bàn thành phố Hải Phòng mà kiếm sống, khúc sông nào nhiều cá là nhà, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, không học hành, không nghề nghiệp... khát vọng lên bờ xem ra thật xa vời với họ.

Người có công đầu tiên mang lại cho làng chài cái tên là anh Bùi Khắc Thọ. Trừ bọn trẻ bây giờ đã được đi học, có đứa đã viết được đơn xin đi học nghề, có đứa mới bắt đầu bập bẹ từ chữ i tờ, thì anh Thọ là người duy nhất biết chữ và học cao nhất trong xóm, lớp 7 của trường làng. Biết chữ nên anh Thọ thành trưởng xóm bất đắc dĩ, có công việc gì với địa phương anh lại là người đứng ra đại diện cho làng chài, từ chuyện khai báo nhân khẩu, đăng ký tạm vắng, tạm trú, đến chuyện cùng gia đình người ta đi làm giấy khai sinh cho con... Nhớ những năm cuối thập kỷ 80, cái làng chài với gần 20 hộ gia đình và gần trăm nhân khẩu là những phận người nổi nênh từ khắp mọi nơi tụ tập về đây, cứ thế sống, không điện, không nước, không học hành và không cả danh tính… Anh Thọ không nhớ đã có bao nhiêu buổi lên xã, lên phường trình bày và phải đến năm 1992, chính quyền phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng mới chấp nhận đăng ký tạm trú cho những người dân chài. Làng cuối cùng cũng có một cái tên: xóm chài khu Bốn. Và cũng phải đến cuối năm 2004, 32 đứa trẻ xóm chài ở đủ mọi lứa tuổi mới chính thức được khai sinh.
Cuộc sống của người dân làng chài gắn liền với sông nước, họ xoay xở sống trong dăm, bảy mét vuông của chiếc thuyền. Đám trẻ con, sinh ra là phải tập bơi. năm, bảy tuổi là đã biết phụ bố mẹ công việc chài lưới, sông Lạch Tray nhiều tàu thuyền đi qua, khúc sông này trước lại có nhà máy đóng tàu đóng ở đây nên bọn trẻ lại có thêm việc mò sắt dưới đáy sông bán đồng nát kiếm thêm tiền tiền phụ giúp cho bố mẹ, suốt ngày dầm mình dưới nước. Thương bọn trẻ, anh Thọ đã cùng chị Nguyễn Thị Đan, cán bộ chuyên trách dân số, gia đình và trẻ em của phường Ngọc Sơn đến từng nhà vận động cho bọn trẻ đi học. Lớp học tình thương do phường tổ chức cũng phải đến cuối năm 1999 mới có học sinh xóm chài chịu xuống học. Chị Đan vẫn nhớ những ngày đầu khó khăn của lớp học ấy, bọn trẻ con xóm chài ở đủ mọi lứa tuổi lần đầu tiên mới biết thế nào là cây bút, cuốn vở. Có những em đã mười chín, hai mươi tuổi bàn tay chai sần vì quăng chài kéo lưới, dạy cầm bút mà cứ lóng nga lóng ngóng, loay hoay mãi như đánh vật, nhiều đứa đang học lại tìm cách trốn lo đi mò sắt dưới đáy sông, lo theo bố mẹ đi quăng chài không lỡ con nước, lớp học thì này nhờ địa điểm này, mai nhờ địa điểm khác… Những ngày đầu khó khăn rồi cũng qua, phụ huynh ở xóm chài thấy con cái mình biết chữ, biết tính toán, biết ý thức, sống sạch sẽ, vệ sinh hơn thì ai cũng đồng lòng tạo điều kiện cho con đi học. Lớp học tình thương của phường do chị Đan đứng ra tổ chức với gần 50 em thì học sinh xóm chài đã chiếm một nửa, thầy cô giáo là những sinh viên ngành sư phạm của trường Đại học Hải Phòng tình nguyện về dạy các em vào cuối mỗi buổi chiều. Trong lớp học ghép từ lớp một đến lớp 5 ấy, các em cũng chỉ được học những môn cơ bản nhất như toán, chính tả, tiếng Việt… nhưng con chữ đã mở ra trước những cậu bé, cô bé làng chài những chân trời mới. Nhiều em học xong chương trình phổ cập tiểu học, lại tiếp tục được chính quyền phường tạo điều kiện xin cho đi học nghề, nhiều cậu bé, cô bé giờ đã là công nhân lành nghề trong khu công nghiêp, các xí nghiệp giày da, may mặc ở Hải Phòng như em Huế, em Dũng, em Ngoan.
Cô bé Bùi Thị Hải, con gái đầu của anh Thọ, học xong chương trình lớp 5 cũng được chị Đan giúp đã học xong lớp may công nghiệp, năm nay mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi đi làm công nhân, nên buổi chiều lại hăng hái cùng các bạn, các em đến lớp học. Đưa chúng tôi đến thăm lớp học của các em, anh Thọ hồ hởi nói, giờ anh không còn là người duy nhất biết chữ ở xóm chài nữa rồi. Chỉ mong con chữ sẽ là những viên gạch đầu tiên giúp người dân xóm chài tự tin đặt chân vào cuộc sống trên bờ.
Lan Anh