Xốc lại hoạt động dạy nghề

- Thứ Ba, 06/10/2020, 05:55 - Chia sẻ
Đầu năm 2020, trong quá trình triển khai chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn, Thanh Hóa đã phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp lập hồ sơ khống, ăn bớt thời gian đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm trục lợi nhiều tỷ đồng từ ngân sách. Không chỉ có dấu hiệu làm giả sổ sách, khai khống khoản chi, mà người dân không thể kiếm sống bằng nghề được đào tạo, không được cấp chứng chỉ dù đã học xong.

Việc sử dụng ngân sách thực hiện đề án đào tạo nghề nông thôn, đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, thực tế quá trình thực hiện tại nhiều địa phương đã phát sinh những dấu hiệu trục lợi từ chính sách. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từng cho biết trong một hội nghị về đào tạo nghề nông thôn: “có một xã 600 người đăng ký học hoạn lợn”. Sở dĩ có tình trạng đi học nghề ào ào, học cả những nghề không phổ biến hay không hề liên quan đến ngành nghề đang phát triển tại địa phương là bởi đây là miếng bánh có thể trục lợi để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Với những đề án đào tạo nghề nói trên, không những người học không mất học phí mà còn được hỗ trợ một khoản tiền nhất định để học nghề. Nhưng thực tế nhiều nơi, chương trình học bị cắt ngắn, tiền bồi dưỡng của học viên cũng bị bớt xén nhưng trong hồ sơ vẫn rất đầy đủ. Tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, có học viên học chưa được 10 buổi đã bỏ ngang, nhưng trong danh sách quyết toán từ năm 2019 vẫn kê khai học đủ 38 ngày; giảng viên mới đi học 2 ngày đã được đứng lớp. Hay tại Trường Trung cấp Lê Thị Riêng và Trung tâm Hỗ trợ việc làm chi nhánh quận 9, TP Hồ Chí Minh, dù không dạy nghề cho người thất nghiệp, nhưng vẫn nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo 50 học viên với số tiền 150 triệu đồng.

Dư luận hoài nghi, số tiền không đến được tay người lao động đã đi về đâu, tình trạng ký khống hồ sơ này đã xảy ra từ khi nào, phải chăng ngân sách nhà nước đã thất thoát một khoản không hề nhỏ trong khi người lao động lại không hề được hưởng lợi? Đó là chưa kể việc đào tạo nghề chưa gắn với thực tế và nhu cầu, số lao động chưa có việc làm ổn định và thiếu tính bền vững tại nhiều địa phương rất cao. Thế nhưng năm 2020, chi thường xuyên bằng tiền ngân sách cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề là 258.750 tỷ đồng, bằng 24,49% tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Điều đáng nói, sai phạm, khuyết điểm trong công tác dạy nghề diễn ra từ những cơ sở được bố trí thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ, tới những cơ sở được thành lập và cấp phép theo sự cân đối về chức năng - nhiệm vụ của các ngành, địa phương. Những sai phạm này đã dẫn đến thực trạng hàng trăm cơ sở đào tạo nghề có quy mô cồng kềnh nhưng hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đa phần là các trường công lập. Do trải rộng và bao phủ như vậy, nên quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo, nguồn lực đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa cao... Rất nhiều trường nghề được đầu tư lớn, có nơi cả trăm tỷ đồng nhưng xây xong không có người học. Một số trường lượng học viên vài năm gần đây chỉ bằng 5% - 10% so với những năm trước đó. Nhiều trường thậm chí còn không thể tuyển nổi học viên và chỉ nằm chờ quyết định giải thể.

Theo nhiều chuyên gia, việc xốc lại năng lực của các cơ sở dạy nghề, ngăn chặn hành vi tham ô, trục lợi là một trong những mấu chốt quan trọng để cải thiện công tác đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài việc sắp xếp, quy hoạch lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì cần thay đổi cách thức, quản lý trên hiệu quả đầu ra, thay vì cấp phát bình quân và dàn trải. Ngân sách dành cho giáo dục nghề nghiệp phải dựa trên chất lượng, nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp, buộc các trường phải chuyển mình theo quy luật cung - cầu. Khi đó, nguồn vốn của Nhà nước tập trung đầu tư cho hoạt động đào tạo nghề mới thật sự mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp.

Duy Anh