Không nên phân biệt rạch ròi
Cuối năm 2022, bộ phim Tro tàn rực rỡ ra rạp, đạt doanh thu khiêm tốn với chỉ hơn 4,1 tỷ đồng theo số liệu từ Box Office Vietnam. Năm 2023, phim càn quét các giải thưởng quốc tế và nhận nhiều lời khen của giới chuyên môn. Chia sẻ với báo giới, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thẳng thắn: “Nói chung, tôi và cả nhà sản xuất đều không ngây thơ đến mức hy vọng vào doanh thu cao của một bộ phim nghệ thuật”. Dù vậy, trong thời gian dài, câu chuyện doanh thu vẫn là điều khiến nhiều nhà làm phim, nhất là những người theo đuổi dòng phim nghệ thuật, trăn trở.
Theo đạo diễn Bùi Trung Hải, điện ảnh nghệ thuật vẫn tồn tại trên thế giới, thường các liên hoan phim hướng đến những phim có xu hướng như thế. Đối với dòng phim theo hướng tác giả, phim độc lập thường cố gắng tạo ra ngôn ngữ và cách thể hiện khác, đề tài đi vào cái riêng tư, mới lạ. Thể loại này thường khó tiếp cận khán giả, hạn chế về doanh thu song lại giúp mở rộng ngôn ngữ sáng tạo, giúp người xem có thể nhìn sự vật, sự việc ở các góc nhìn khác nhau… Ngược lại, với điện ảnh đại chúng, điện ảnh thương mại vốn hướng đến khán giả, làm thế nào thu hút càng đông khán giả, thu về nhiều lợi nhuận càng tốt. Điều này dẫn đến quan điểm phân biệt, cho rằng điện ảnh thương mại ít tính nghệ thuật.
“Thế nhưng ở nhiều nền điện ảnh, điển hình là điện ảnh Mỹ, chúng ta không thấy sự phân biệt rạch ròi như vậy. Họ có điện ảnh dòng phim chính với cấu trúc tác phẩm được xây dựng dựa trên quy tắc 3 hồi: mâu thuẫn, phát triển mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn. Đó là cách để tác phẩm thu hút khán giả và cũng không hề là những phim không có tính nghệ thuật hay ít tính sáng tạo”.
Chỉ ra như vậy, đạo diễn Bùi Trung Hải dẫn chứng trường hợp các phim của đạo diễn Mỹ nổi tiếng Christopher Edward Nolan được xây dựng trên cơ sở rất dễ tiếp cận khán giả nhưng có tính nghệ thuật rất cao. Hay nhìn sang Hàn Quốc, trường hợp bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) ghi dấu ấn về cả tính thương mại, giải trí và tính hàn lâm, nghệ thuật, vừa hấp dẫn giới phê bình, cũng rất thu hút công chúng.
“Điểm gặp của các giá trị tạo nên giá trị lớn. Điện ảnh Việt Nam nên nhìn vào những câu chuyện điện ảnh như thế để có hướng phát triển”, đạo diễn Bùi Trung Hải nói.
Đánh giá bình đẳng, công bằng
Nhìn vào sự vận động của điện ảnh thế giới, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, PGS. TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, bộ phim truyền tải thông điệp rất "ghê gớm", giàu tính nghệ thuật đến mấy mà không có khán giả thì cũng không thể thành công. Thực tế thời gian qua, rất nhiều bộ phim đoạt giải của tại liên hoan phim quốc tế nhưng khi chiếu rạp lại không có người xem. Tất nhiên, vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: truyền thông, thị hiếu công chúng, thời điểm phát hành… song một yếu tố quan trọng đến từ sự nhìn nhận khách quan về giá trị đại chúng của tác phẩm.
“Thực tế điện ảnh thế giới cũng tồn tại hai dòng là phim nghệ thuật để hướng tới các liên hoan phim và các giải thưởng, còn phim thương mại hướng đến khán giả và thu hồi vốn. Trước đây, những người làm điện ảnh đều nghĩ vậy nhưng trên thực tế quan điểm cũng phải thay đổi. Thương mại cũng phải có nghệ thuật và nghệ thuật cũng phải có thương mại”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định.
Mỗi loại phim có sứ mệnh riêng, phim nghệ thuật khẳng định thương hiệu và quảng bá cho điện ảnh Việt ra thế giới, phim giải trí là để tạo sự sống cho rạp, cũng như người làm phim. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng khán giả và chất lượng phim không tỷ lệ thuận. Để điện ảnh Việt Nam gặt hái nhiều thành công, phát triển bền vững, quan trọng là các nhà làm phim phải tiệm cận với hơi thở của điện ảnh thế giới, xóa nhòa ranh giới phim thương mại và phim nghệ thuật. Bởi lẽ, suy cho cùng công chúng luôn mong muốn được thưởng thức tác phẩm điện ảnh hay, chất lượng.
Tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) năm 2024, Chợ Dự án không chỉ mời các tác giả phim mà còn có sự tham gia của các dự án hướng tới khán giả và thương mại hơn, để phản ánh đúng hơn bối cảnh các phim tham gia chợ dự án cũng như cổ vũ cho sự phát triển mạnh mẽ của khán giả dòng phim châu Á thời gian gần đây. Theo nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, đây là ví dụ cho thấy hướng đi cần thiết trong bối cảnh điện ảnh Việt ngày càng có nhiều thay đổi. Các nhà làm điện ảnh đều mong muốn điện ảnh phải cởi mở hơn nữa, bầu không khí sáng tạo điện ảnh phải đổi mới, năng động, đa dạng hơn.
“Chúng ta nên bình đẳng, công bằng, không có sự phân biệt phim thị trường hay phim nghệ thuật, làm phim để kinh doanh hay làm phim vì nghệ thuật, vì thực hiện nhiệm vụ này hay nhiệm vụ khác… Người xem ngày nay rất tinh tế, không hề dễ dãi và thể loại phim nào, hình thức nào cũng đều cần phải nghệ thuật cả”, ông Vi Kiến Thành nêu quan điểm.