Xóa nhòa ranh giới nhiếp ảnh và hội họa

- Thứ Tư, 07/04/2021, 07:20 - Chia sẻ
Từ giữa thế kỷ XIX đến nay, nhiếp ảnh đã không ngừng vận động, tiến tới khẳng định vị trí độc lập đối với các hình thức mỹ thuật truyền thống, trong đó có hội họa. Tuy nhiên, giữa nhiếp ảnh và hội họa có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ lẫn nhau.
	Không gian dành riêng cho nhiếp ảnh - Room of Fotography Hanoi vừa được khai trương tại 113 Hàng Bông, Hà Nội
Không gian dành riêng cho nhiếp ảnh - Room of Fotography Hanoi vừa được khai trương tại 113 Hàng Bông, Hà Nội

Thể hiện cái tôi nghệ sĩ

Tại tọa đàm “Nhiếp ảnh và hội họa: Sự dịch chuyển của nghệ thuật thị giác” mới đây, các nghệ sĩ cho rằng, hội họa và nhiếp ảnh đều phản ánh vẻ đẹp cuộc sống bằng cách sử dụng các yếu tố đường nét, hình khối, màu sắc… để tạo hình trên mặt phẳng. Các yếu tố ấy luôn hàm chứa sự thống nhất, được nghệ sĩ biến thành cái riêng, cá biệt. Vì vậy, các yếu tố tạo hình trong hội họa và nhiếp ảnh chỉ mang tính ước lệ. Chúng chứa đựng cái chung, bản chất, vừa thực vừa ảo, vừa là hữu hạn vừa là vô hạn.

Về hình thức, cả hai loại hình cùng khai thác nét cơ bản của các yếu tố tạo hình, dù là kết hợp với sử dụng công cụ hay phương pháp khác nhau, nhằm sáng tạo nhiều cách biểu hiện. Chúng là phương tiện chuyển tải cảm thụ riêng của nghệ sĩ. Ở góc độ hẹp hơn, có thể thấy cả hội họa và nhiếp ảnh ngoài việc tìm cách biến hóa để thể hiện kết cấu, chất liệu khác nhau, chúng được khai thác cùng nhiều yếu tố khác, mỗi yếu tố góp phần diễn tả ý tưởng mà nghệ sĩ muốn truyền đạt đến người xem. 

Như vậy, mỗi yếu tố khi được nghệ sĩ chọn đưa vào mặt phẳng đều phải tạo nên tính thống nhất giữa cảm tính thị giác và lý tính phân tích. Về giá trị, thật khó phân biệt giữa các yếu tố tạo hình một bức tranh được thể hiện qua nét cọ của họa sĩ với yếu tố được nhà nhiếp ảnh biểu hiện qua bức ảnh cái nào nghệ thuật hơn. Rõ ràng, khi tái hiện sự vật, nghệ sĩ hội họa hay nhiếp ảnh đều đặt cho mình nhiệm vụ phản ánh cái đẹp bằng các yếu tố tạo hình. Ở đó, các chức năng thẩm mỹ của chúng không chỉ bộc lộ qua màu sắc, đường nét, hình khối… mà còn thể hiện tâm trạng, cảm xúc về thế giới trong một khoảnh khắc điển hình của cái tôi độc đáo, riêng biệt của nghệ sĩ.

	Tác phẩm "Awake" của Nguyễn Minh Hoàng
Tác phẩm "Awake" của Nguyễn Minh Hoàng

Xóa nhòa ranh giới

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hagan Nguyen cho rằng, giữa nhiếp ảnh và hội họa có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ lẫn nhau. “Có người nói nhiếp ảnh ra đời sau hội họa, nhiếp ảnh cùng hội họa đi lên. Tôi nghĩ, nhiếp ảnh cũng là một cách để con người đến gần hơn với nghệ thuật, vì lâu nay nhiều người cho rằng hội họa là cái gì đó rất xa vời. Tuy nhiên, nhờ có nhiếp ảnh, con người bắt đầu hiểu thế nào là nghệ thuật, cũng vì thế hiểu nhiều hơn về hội họa”.

Hagan Nguyen giải thích thêm: "Bản thân tôi là nghệ sĩ thị giác nhưng chất liệu sử dụng trong các tác phẩm của tôi tại triển lãm nhân dịp khai trương Room of Fotography Hanoi lại là nhiếp ảnh. Qua đây tôi muốn chứng minh hội họa chỉ hỗ trợ, tương tác và là cách để tôi đẩy nhiếp ảnh ra khỏi giới hạn của nó; việc liên kết với hội họa giúp nhiếp ảnh tương tác với các loại hình nghệ thuật khác, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nghệ sĩ".

Các tác phẩm của Hagan Nguyen có thể kể đến “Saree”, được thực hiện bởi phương pháp xerox art, hoàn toàn không dùng máy ảnh cơ mà thay vào đó là máy photocopy. Đó là hình ảnh một chiếc khăn Ấn Độ, quét trên scanner của máy photocopy. Hagan Nguyen tin rằng “công cụ không quan trọng bằng tư duy và điểm nhìn của nghệ sĩ”. "Hình ảnh cuối cùng khiến tôi hoàn toàn gây bất ngờ. Với tôi, bản thân chiếc khăn đã là một tác phẩm hoàn chỉnh. Nhiệm vụ của nghệ sĩ là chuyển tải cho người xem quan điểm của mình”.

Ở tác phẩm “The Shells”, Hagan Nguyen lại sử dụng phương pháp overpainted photography (xử lý màu trên tác phẩm nhiếp ảnh), nhằm tạo sự tương tác giữa nhiếp ảnh và hội họa. “Từ thế kỷ XIX, khi nhiếp ảnh mới dừng ở phim đen trắng, người ta đã tô màu để tạo nên tính thực cho tác phẩm nhiếp ảnh. Khi tôi sử dụng phương pháp này một lần nữa, điều mà tôi muốn không phải là tính thực mà là tính ảo, để xóa nhòa ranh giới giữa hội họa và nhiếp ảnh, giữa thực và ảo, giữa phong cách thực và trừu tượng. Người ta thường nghĩ, nhiếp ảnh luôn cố gắng tạo ra những gì rõ ràng nhất, sắc nét nhất, nhưng tôi muốn tác phẩm ảnh đen trắng của mình có màu sắc của hội họa”, Hagan Nguyen chia sẻ.

	Tác phẩm “Saree” của Hagan Nguyen
Tác phẩm “Saree” của Hagan Nguyen

Với nghệ sĩ Nguyễn Minh Hoàng, "hội họa và nhiếp ảnh đều có trường phái ghép và sắp đặt, tác phẩm ảnh của tôi thuộc số đó. Tôi sử dụng 2 bức ảnh cho tác phẩm 'Awake' trong triển lãm, một bức là ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, rất dễ nhận biết. Bức còn lại tôi chụp người thân của mình, cô và cháu gái. Tôi đã nghe bố mẹ mình nói đến chiến tranh, song cuộc chiến ấy không phải là trải nghiệm trực tiếp đối với những người sinh khoảng những năm 1990 như tôi".

Nguyễn Minh Hoàng cho biết, khi được nhắc lại về những câu chuyện trong quá khứ, về chiến tranh, anh bắt đầu quan tâm, suy nghĩ và tìm hiểu. "Đây là cách tôi có thể mang lịch sử vào trong tay mình, như khi tôi tự tay in, xé, đặt lại ảnh và chụp, là lúc tôi cảm thấy mình được kiểm soát phần nào những hình ảnh đó, ký ức đó, cảm giác được trải nghiệm trực tiếp ký ức. Đồng thời, tôi muốn tác phẩm của mình có nhiều tầng nghĩa, chiến tranh - hòa bình, quá khứ - hiện tại… để thấy sự đối ngược được kéo lại gần nhau hơn".

Theo các nghệ sĩ thị giác, với hội họa họ có nhiều thời gian, từ vẽ nháp đến đặt mọi hình ảnh, câu chuyện ra mặt khung rất rõ nét, không bị co, cắt. Còn ở các tác phẩm ảnh, khung hình khó được sắp đặt kỹ càng như vậy. Song tác phẩm thường rất hoàn chỉnh, do có tính hội họa trong đó. Như thế, phụ thuộc vào quan điểm, góc nhìn của nghệ sĩ, nhiếp ảnh và hội họa có thêm nhiều cơ hội đến gần nhau hơn.

Hương Sen