Xóa bỏ rào cản tiếp cận giáo dục chất lượng
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi mạnh mẽ ưu tiên và hướng xây dựng xã hội học tập tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Học tập suốt đời giờ đây gắn liền với khái niệm giáo dục mở mà nền tảng để thực thi là chuyển đổi số, công nghệ số. Đó cũng là cách tiếp cận khi nước ta xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới.

Giáo dục mở, trao cơ hội học tập suốt đời
Tiểu ban Giáo dục Thường xuyên và Học tập suốt đời, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vừa tổ chức phiên họp lấy ý kiến tư vấn, góp ý cho đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030. Theo GS, TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban, việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đã qua 2 giai đoạn 2005 - 2010 và 2011 - 2020, và đề án giai đoạn tiếp theo đang được xây dựng. Nói đến xã hội học tập là hướng đến việc mọi người học suốt đời để luôn thích ứng với thay đổi. Bởi hiện nay, muốn hay không, mọi người phải có kỹ năng số, phải luôn học tập đáp ứng yêu cầu của đời sống. Để làm được điều đó, chúng ta phải đi đến mô hình giáo dục mở; có hành lang pháp lý, điều kiện, cách học để mọi người có thể học suốt đời...
Theo ông Nguyễn Đắc Trung, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc nâng cao hiểu biết, kiến thức cho mọi người trong xã hội luôn cần thiết. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là mục tiêu hàng đầu của mọi quốc gia. Tại Việt Nam, qua 2 giai đoạn triển khai, đến nay, xây dựng xã hội học tập cần phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, trước sự đa dạng về hình thức học tập, giáo dục, rất cần có sự đồng bộ về cơ chế, chương trình, điều kiện, cơ sở vật chất và năng lực của đội ngũ cán bộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 rất cần thiết, phải làm ngay để thúc đẩy học tập suốt đời, nâng cao nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự gắn kết xã hội, từ đó duy trì và tăng cường lợi thế cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. GS, TS. Nguyễn Minh Thuyết, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực nhận định: Mục tiêu chung của đề án này cần xác định là xây dựng được xã hội học tập rộng khắp các địa phương; trong đó cấp ủy, chính quyền có chiến lược, kế hoạch cụ thể và thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo ra nhu cầu, bảo đảm điều kiện thực hiện xã hội học tập; sử dụng thành tựu của xã hội học tập vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Mỗi người dân đều tham gia học tập thường xuyên theo hình thức phù hợp để đáp ứng nhu cầu của công việc, của đời sống tinh thần và được phát triển phù hợp với năng lực của mình... Trong giai đoạn mới, cần tạo chuyển biến nhận thức căn bản của cấp ủy, chính quyền, và mỗi người dân, hình thành các đơn vị học tập bền vững, bảo đảm cơ sở vật chất và đội ngũ giáo dục thường xuyên để người dân có điều kiện và được khuyến khích học tập suốt đời...
Tầm nhìn và hành lang pháp lý
Đề án được xây dựng trong bối cảnh cả thế giới và Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, và học tập suốt đời là sợi chỉ xuyên suốt trong việc thực hiện các mục tiêu này. TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cho rằng: Mục tiêu chung của đề án cần xác định tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, hướng tới hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, bảo đảm đến 2030, mọi người đều có thể tiếp cận giáo dục có chất lượng, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Cách mạng 4.0.
TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng đề xuất, trong các nhiệm vụ giải pháp đưa ra, cần có giải pháp ưu tiên. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế, cố gắng bảo đảm bằng được xây dựng và ban hành Luật Học tập suốt đời, tạo ra tầm nhìn, hành lang pháp lý đầy đủ về giáo dục chính quy, phi chính quy, văn bằng chứng chỉ... Thứ hai, tái cơ cấu hệ thống giáo dục thường xuyên, xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên mở, có tài nguyên giáo dục mở, trên cơ sở kết nối chặt chẽ với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, bằng cách tổ chức thực hiện khung trình độ quốc gia. Thứ ba, đổi mới cơ chế tài chính, tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục thường xuyên...
Hiện nay nhiều quốc gia hướng tới xây dựng xã hội học tập, quốc gia học tập, mà tại đó mọi người dân được trao cơ hội học tập suốt đời thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong giáo dục. Đây cũng là xu hướng tất yếu, khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại nhiều cơ hội đối với xây dựng xã hội học tập: Nhiều hình thức, cách học linh hoạt, phù hợp và hiệu quả đã phát triển mạnh mẽ; ngày càng nhiều phương tiện và công nghệ hiện đại hỗ trợ học tập, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng và sở hữu. Nhiều chương trình, tài liệu, khóa học đã được xây dựng và phát triển như các khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOCs), các nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER); tài liệu số hóa trên mạng ngày càng đa dạng, cho phép người dân dễ dàng tiếp cận và khai thác miễn phí hoặc thu phí rất thấp.
Theo các chuyên gia, cần ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số trong cung ứng các chương trình học tập suốt đời cho mọi người. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin phục vụ giáo dục thường xuyên, gồm nền tảng số, trang mạng cung cấp thông tin về giáo dục thường xuyên (các chương trình ngắn hạn, dài hạn, các trình độ)... Điều này sẽ giúp xóa bỏ rào cản về không gian, thời gian, nội dung và phương thức học tập, giải phóng giáo dục khỏi sự chật chội của các mô hình truyền thống và tăng khả năng tiếp cận giáo dục bậc cao cho đại chúng.