Xin việc online: xu hướng tất yếu

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:37 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đối tác Hàn Quốc triển khai thí điểm xây dựng Cổng thông tin Dịch vụ việc làm tại 2 địa bàn có thị trường lao động phát triển nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đánh giá sơ bộ cho thấy, hiệu quả đem lại của việc triển khai số hóa thông tin thị trường lao động, mạng giao dịch việc làm là rất lớn.

Đơn giản mà hiệu quả

Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Chang-Hee Lee dự báo, khi dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn, thì thị trường việc làm ở Việt Nam khó phục hồi ngay trong thời gian tới, đồng nghĩa cơ hội việc làm cho người lao động chưa rộng mở. Thực tế này đòi hỏi các bên liên quan cần quan tâm nâng cao chất lượng việc làm, bảo đảm sự ổn định của những việc làm hiện có; đồng thời tạo ra những việc làm mới cho người lao động.

“Trước đây, tôi nghĩ xin việc qua mạng là không chắc chắn và dễ bị lừa đảo. Song, từ năm ngoái tôi thấy khá nhiều bạn bè tôi đã xin việc thành công từ hình thức này. Chính vì thế, tôi mạnh dạn thử sức và thấy rất thuận tiện”. Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Ngọc Diệu Nhi, hiện đang làm công nhân tại một Công ty TNHH ở Hà Nội.

Từ năm 2015 TP. Hà Nội đã triển khai giao dịch việc làm trực tuyến, tuy nhiên phải đến năm 2020 kênh này mới thực sự được người lao động, doanh nghiệp chú ý và trở thành cầu nối quan trọng trong việc kết nối cung - cầu lao động. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, mỗi năm Trung tâm tổ chức khoảng 5 phiên giao dịch online lớn, kết nối nhiều điểm sàn ở các tỉnh, thành phố khác nhau. Trong năm 2020 với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các phiên giao dịch online đã thực sự trở thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và người lao động.

Từ kết quả này, năm 2021 Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến, chuyên đề dành riêng cho các ngành tuyển nhiều lao động; ứng dụng công nghệ hiện đại để thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động. Đối với lực lượng lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bên tiếp tục có giải pháp đưa họ sớm trở lại thị trường. Với các giải pháp kịp thời, đồng bộ, thành phố đặt ra chỉ tiêu phấn đấu tạo việc làm mới cho ít nhất 160.000 người trong năm 2021, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%...

Không chỉ ở Hà Nội, hầu khắp các địa phương trong cả nước đều tổ chức sàn giao dịch việc làm online. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh Đinh Văn Duyệt cho biết, đây là hình thức giới thiệu việc làm đơn giản nhưng kết quả đạt được rất tích cực. Cách thức hoạt động được diễn ra theo hai chiều, có sự tương tác qua lại trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng để đăng tải trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm, đồng thời cắt cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ. Còn về phía người lao động, chỉ cần một phương tiện có kết nối internet (máy tính hoặc điện thoại…) là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến. Trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức hơn 10 phiên giao dịch việc làm online thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Thông qua phiên giao dịch online đã cung cấp hàng nghìn vị trí việc làm với mức lương ổn định cho người lao động.

Sàn giao dịch việc làm online đang là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp và người lao động

Đẩy mạnh số hóa 

Đầu năm 2021, Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với 6 địa phương phía Bắc (Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La) vừa diễn ra (25.3) đã thu hút 77 doanh nghiệp, nhãn hàng có uy tín cùng 10.187 chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng các ngành nghề: hành chính - nhân sự, nhân viên kinh doanh, bán hàng, kế toán, công nhân sản xuất, phiên dịch - biên dịch, nhân viên kỹ thuật, nhân viên kinh doanh, công nhân sản xuất, cơ khí - hàn, xây dựng, may mặc… Đây là cơ hội lớn cho lực lượng lao động phổ thông trên địa bàn, cũng như các tỉnh, thành phố lân cận. Qua phiên giao dịch đã có hơn 10.000 người lao động kiếm được việc làm.

Thực tế cho thấy, nếu như trước kia hình thức phỏng vấn qua mạng chưa được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam vì nhiều người cho rằng đây là cách tuyển dụng không chính thức, không tạo sự tin tưởng từ 2 phía. Song, mấy năm gần đây, người lao động không còn xa lạ và ngày càng tin tưởng với hình thức tuyển dụng này. Đặc biệt, trước ảnh hưởng dịch Covid-19, phỏng vấn trực tuyến đang phổ biến ở các sàn giao dịch việc làm. Chỉ cần một máy tính hay điện thoại thông minh, người lao động và nhà tuyển dụng có thể thực hiện ngay một cuộc phỏng vấn. Hồ sơ xin việc được scan và gửi trước qua thư điện tử của phía tuyển dụng.

Theo các chuyên gia lao động, nhờ triển khai những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, số doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường vẫn có xu hướng gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nguy cơ khiến hàng triệu người thất nghiệp, mất việc làm. Chính vì vậy, việc điều tiết thị trường lao động, giúp ổn định việc làm cho người lao động quan trọng hơn bao giờ. Trong đó, việc triển khai các sàn giao dịch việc làm online được đánh giá là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất.

Đánh giá hiệu quả việc tổ chức giao dịch việc làm online đem lại, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, việc đẩy mạnh số hóa trong các hoạt động thông tin thị trường lao động, mạng giao dịch việc làm, “tạo lập môi trường giao dịch trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp”, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người, hỗ trợ công tác tư vấn và giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, phân tích và dự báo thị trường lao động là việc làm cấp thiết hiện nay.

Thái Yến