![]() |
Ngày xưa muốn xin chữ, người ta chuẩn bị một lễ nhỏ như cau trầu, chè thuốc… để xin. Người cho chữ thường là một ông đồ có phẩm hàm vua ban, hoặc chí ít cũng phải là một nhà nho hay chữ trong vùng, có đức độ và được kính trọng. Người đến xin chữ, thường được ông đồ xem xét tâm tư nguyện vọng mà cho chữ thích hợp. Gia chủ xin được chữ như xin được may mắn, phúc, lộc cho một năm mới.
Ngày nay, tục xin chữ đã có nhiều thay đổi để đáp ứng với đời sống xã hội mới. Phố ông đồ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội đã hình thành ngót chục năm nay để đáp ứng nhu cầu này. Thay vì đến nhà thầy đồ, chỉ cần đến phố ông đồ chọn người để xin chữ. Người viết chữ, cho chữ không chỉ giới hạn ông đồ, mà đủ thành phần già trẻ, gái trai, thậm chí là những người chỉ biết vẽ chữ, không biết viết chữ. Không chỉ cho chữ Nho, (chữ Hán) các thầy đồ sẵn sàng cho cả chữ Quốc ngữ viết theo lối thư pháp...
Việc khôi phục phong tục xin chữ đầu năm không đến nơi đến chốn đã khiến tập tục tốt đẹp này dần dần biến tướng, làm mai một ý nghĩa cao quý và thiêng liêng vốn có của việc cho chữ. Việc xin chữ biến thành mua chữ, vì có mặc cả ngã giá đàng hoàng. Đơn cử như tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giá của một chữ loại bé nhất cũng khoảng 50 nghìn đồng. Nếu cả câu đối thì từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng là bình thường. Ông đồ cũng như người bán hàng, cũng chào mời, cũng hét giá... Tục xin chữ, cho chữ dù được coi là tiếp nối, bảo tồn phong tục văn hóa xưa nhưng giờ đã trở thành một dịch vụ hàng hóa đặc biệt.
![]() Nguồn: thethaovanhoa.vn |
Điều này không chỉ diễn ra tại phố ông đồ, mà đi đến các nơi lễ hội, đình, đền, chùa, miếu, phủ… cũng thấy những hình ảnh mua - bán chữ. Việc kinh doanh chữ được đa dạng, không chỉ có mực tàu, giấy đỏ mà còn phát sinh ra nhiều kiểu bán chữ - mua chữ phong phú. Chữ được viết trên giấy ép plastic hay trên giấy cứng, treo kèm vào móc chìa khóa, hay những hình con thú, hoa... như một món đồ trang trí lưu niệm. Nhiều nơi còn bán những xấp giấy viết sẵn chữ Tâm, Nhẫn, Phúc, Lộc... ai muốn chữ nào thì tiền trao chữ nấy. Người cho chữ không còn mấy người giữ được cái tâm của ông đồ Nho ngày nào mà biến tướng thành một nghề kiếm sống, tranh thủ mấy ngày Tết “chặt chém”. Có những “ông đồ mới” đắt khách, một vụ kiếm vài chục triệu đồng...
Đó là chưa kể đến, một số người học được ít chữ, biết chút thư pháp đã ra bán chữ, vừa viết, vừa lật vội sách Hán - Nôm để “họa” lại chữ nên viết thừa hoặc thiếu nét, viết sai, viết lỗi, thậm chí cả những người không biết cầm bút cho đúng cách cũng khá nhiều. Hoặc vừa viết vừa tra từ điển đã làm chữ mất cái hồn, giảm giá trị thư pháp. Tuy nhiên, phần lớn người xin chữ không biết chữ Hán - Nôm nên chẳng biết đúng hay sai, có chữ là tốt rồi.
Cũng cần nhìn vào sự thật là phần đông người xin chữ hiện nay, coi việc chơi thư pháp cho vui, nay thích thì chơi, mai không thích thì bỏ. Chạy theo trào lưu mà không mấy người để ý đến ý nghĩa đích thực của việc xin chữ đầu năm. Trước đây, người xin chữ rất quan tâm đến hình thể của con chữ và nội dung của câu chữ. Còn hiện nay, người xin chữ chủ yếu để cầu may mắn, cầu tài, cầu lộc, ít khi thưởng thức về mặt thư pháp. Phần lớn coi như một thứ trang trí ngày Tết, chẳng mấy hiểu được ý nghĩa cao quý, nên mới có chuyện khoe nhau chữ đắt, chữ rẻ.
Không hiểu đúng về tục xin chữ, người ta đang làm xấu đi một phong tục đẹp. Ai cũng cần tiền để trang trải cho cuộc sống, nhưng lợi dụng kinh doanh trên một loại hình văn hóa có truyền thống trang nghiêm như tục xin chữ đầu năm là rất phản cảm. Nếu như các nhà quản lý không có một cơ chế cụ thể, yêu cầu về trình độ của những người tham gia hoạt động xin chữ đầu xuân thì hoạt động này sẽ càng ngày càng mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Những người tham gia cho và xin chữ cũng cần có một phông văn hóa nhất định, trong mắt người dân mình và cả những khách ngoại quốc đang nhìn vào chính nền văn hóa của chúng ta.
Xin đứng biến xin chữ thành mua chữ - đừng biến một nét đẹp truyền thống ngày Tết thành một dịch vụ kiếm tiến để rồi làm mất đi ý nghĩa văn hóa đích thực.