Xét xử trực tuyến - mới và khó

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 06:27 - Chia sẻ
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu và sự đe dọa của dịch Covid-19; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là vấn đề mới cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất. Đó là khẳng định của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Thực tế, xét xử trực tuyến bản chất là xét xử trực tiếp, diễn ra ở phòng xét xử theo quy định hiện hành nhưng một số chủ thể do điều kiện khách quan không đến dự được phiên tòa, có thể tham gia từ các điểm cầu phụ. Phiên tòa vẫn phải bảo đảm trực tiếp, công khai, minh bạch, có sự giám sát của các bên. Suy cho cùng, xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin - một hình thức “mặt đối mặt” mới trong thời đại internet.

Rõ ràng, trong bối cảnh dịch Covid-19, áp dụng mô hình này có lợi hơn cho việc xét xử như bảo đảm thời hạn xét xử, tiết kiệm thời gian, an toàn xã hội…  Thực tế, việc triển khai thành công mô hình Tòa án điện tử; số hóa các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án; ứng dụng hệ thống nộp và bổ sung đơn, các tài liệu khác qua mạng hay triển khai hiệu quả phòng xử án ảo là cơ sở xây dựng mô hình xét xử trực tuyến tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...

Trong khi đó, với Việt Nam, đây là vấn đề mới và khó khi pháp luật hiện hành chưa có quy định về hình thức và cách thức tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Vấn đề này còn liên quan nhiều đến các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, do tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân... 

Làm sao để xét xử thuận lợi nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự, các chủ thể trong phiên tòa; làm sao có thể bảo đảm nguyên tắc tố tụng, an toàn, hiệu quả, bảo mật, là câu hỏi đang được đặt ra. Chưa kể những hạn chế về điều kiện hạ tầng kỹ thuật và không gian mạng ở vùng miền núi; việc liên thông giữa Tòa án, cơ sở giam giữ cũng như bảo đảm phương tiện kết nối, tính bảo mật, sự riêng tư của các thành phần tham gia phiên tòa... 

Rõ ràng, để có thể xét xử trực tuyến, có không ít việc phải làm. Song song với việc Tòa án sớm ban hành quy chế tổ chức xét xử trực tuyến, xác định rõ tiêu chí và sơ đồ phòng xét xử; cần xây dựng tiêu chuẩn quốc gia sử dụng đường truyền âm thanh và hình ảnh trong xét xử trực tuyến tại Tòa án. Việc nghiên cứu cách thức liên lạc, thông báo, tống đạt thủ tục, giấy tờ qua mạng internet; thống nhất trước cách thức tiến hành phiên tòa và cung cấp quyền truy cập hệ thống mạng của phiên tòa xét xử trực tuyến cho các bên tham gia; chia sẻ màn hình cùng việc bảo đảm tính bảo mật trong phòng xử, cũng là điều kiện cần tính tới. Hơn hết, cần quy định quy tắc ứng xử của người tiến hành và tham gia tố tụng trong phiên tòa trực tuyến, tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn được cung cấp bởi Tòa án. 

Trong trường hợp bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết để xét xử trực tuyến, có lẽ nên áp dụng cho các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu. Với một số vụ án hình sự, rất cần đưa ra tiêu chí lựa chọn cụ thể, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Lấy ví dụ như Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) đã bước đầu xây dựng Đề án thí điểm xét xử trực tuyến vụ án hình sự. Đề án đã đưa ra tiêu chí áp dụng xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự theo trình tự sơ thẩm mà bị cáo đang bị tạm giam; được điều tra, truy tố và xét xử theo thủ rút gọn; có số lượng dưới 5 bị cáo; vụ án có tính chất đơn giản, chứng cứ đầy đủ và bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Riêng các vụ án khó, phức tạp, quan điểm đánh giá chứng cứ khác biệt, số lượng bị cáo và những người tham gia tố tụng quá đông, không bảo đảm quy tắc phòng, chống dịch hoặc có những tình tiết khác không phù hợp thì không chọn để xét xử trực tuyến.

Đỗ Quyên