Theo đó, các bị cáo Trần Văn Miên (SN 1988, trú tỉnh Cà Mau), Nguyễn Thị Cẩm Duyên (SN 1988), Nguyễn Như Phú (SN 1971), Huỳnh Hoàng Thương (SN 2005), Huỳnh Thị Thúy Hằng (SN 1976, cùng trú thành phố Hồ Chí Minh) bị xét xử về tội “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”; Đoàn Văn Dương (SN 1989), Hồ Văn Tiện (SN 1988, cùng trú tỉnh Quảng Nam) về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”.
Theo cáo trạng, vào tháng 11.2022, chị NTP. (trú tại TP.Đà Nẵng) đến cơ quan công an trình báo sự việc: có rao bán trên mạng xã hội một điện thoại iPhone 11 Promax với giá 10,2 triệu đồng và có một thanh niên liên hệ đến mua và đưa tiền. Sau đó, chị P. phát hiện toàn bộ số tiền trên là tiền giả. Cơ quan an ninh điều tra đã vào cuộc, khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đoàn Văn Dương và Hồ Văn Tiện, tạm giữ nhiều tang vật liên quan.
Qua điều tra xác định, Trần Văn Miên sử dụng Zalo có tên "Đừng Tìm Nữa Nha" quen biết và sống như vợ chồng với Nguyễn Thị Cẩm Duyên tại một nhà trọ ở thành phố Hồ Chí Minh. Do không có tiền tiêu xài nên Miên nảy sinh ý định làm tiền giả để bán.
Để thực hiện hành vi, Miên đến các chợ mua máy móc, thiết bị về làm thử nhưng sản phẩm bị lỗi nên chưa thể đưa ra lưu hành. Vào tháng 1.2021, sau khi chuyển chỗ ở, Miên tiếp tục mua thêm máy móc phục vụ làm tiền giả nhưng chất lượng sản phẩm không đạt nên mang đi đốt hết.
Sau khi tiếp tục chuyển đến nơi ở mới, Miên mua thêm máy để phục vụ làm tiền giả. Lúc này sản phẩm làm ra đã hoàn thiện nên Miên mang đi lưu hành bên ngoài. Thấy Nguyễn Như Phú (ở cùng nhà) không có việc làm nên Miên và Duyên cho ở chung để cùng bưng bê máy móc, dọn dẹp phế phẩm khi làm tiền giả. Tổng cộng số tiền giả Miên đã làm ra và đem đi lưu hành khoảng 200 triệu đồng tại nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Tháng 9.2022, nhóm này tiếp tục chuyển chỗ ở và Miên lắp đặt các máy móc thiết bị đã mua trước đó để làm tiền giả. Miên tiếp tục gặp và thuê Huỳnh Hoàng Thương cùng làm tiền giả. Thương hỏi ý kiến của mẹ là Huỳnh Thị Thúy Hằng thì bà này đồng ý và dùng xe chở Thương đến nhà Miên để làm tiền giả.
Miên sử dụng máy tính để in phôi tiền giả trên tờ giấy A4 (mỗi tờ in được 4 hình tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng) đưa cho Phú để cùng với Thương đục lỗ, dùng máy cán ép ni lông vào các tờ tiền. Tiếp đó, các đối tượng bỏ tiền vào khuôn cắt thành các tờ tiền riêng lẻ. Nhóm này đánh bóng các tờ tiền, dùng máy để dập số 500.000 đồng vào phần ni lông trong suốt trên tờ tiền giả… Mỗi tuần, cả nhóm làm khoảng 1-2 lần, mỗi lần làm khoảng 200-300 tờ.
Sau khi hoàn thành sản phẩm, Miên đăng quảng cáo bán tiền giả trên các hội nhóm Facebook. Miên đã bán cho Đoàn Văn Dương 172 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Sau đó, Dương rủ Tiện đi tiêu thụ ở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.
Cáo trạng cáo buộc tổng số tiền giả mà nhóm trên đã làm là 1.300 tờ mệnh giá 500.000 đồng đã thành phẩm (tương đương 900 triệu đồng) và 388 tờ A4 in hình tiền mệnh giá 500.000 đồng (tương đương 777,5 triệu đồng).
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Trần Văn Miên được xác định phạm tội với vai trò cầm đầu đường dây sản xuất tiền giả. Miên có 2 tiền án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhân thân xấu với 2 lần vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời điểm đường dây tiền giả của Miên bị phát hiện, Miên đã sử dụng tên giả và lẩn trốn trong trại cai nghiện tại thành phố Hồ Chí Minh.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trần Văn Miên mức án chung thân, Nguyễn Thị Cẩm Duyên 18 năm tù, Nguyễn Như Phú 20 năm tù, Huỳnh Hoàng Thương 12 năm tù, Huỳnh Thị Thúy Hằng 14 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Bị cáo Đoàn Văn Dương 14 năm tù, Hồ Văn Tiện 7 năm tù về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”.