Xếp hạng hiệu suất công bố bài báo nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam năm 2024
Việc xem xét hiệu suất công bố bài báo nghiên cứu là một bước tiến quan trọng so với việc chỉ xem xét số lượng báo báo nghiên cứu trong công tác đo lường khoa học. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là kết quả xếp hạng SARAP Ranking 2024E và chất lượng thực chất của các cơ sở giáo dục đại học nên có sự tương đồng.
Tại sao cần xét hiệu suất công bố bài báo nghiên cứu?
Bảng xếp hạng thành tựu xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam năm 2024 (SARAP Ranking 2024) đã được nghiên cứu và công bố bởi Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP) thuộc Trường Đại học Văn Lang.
SARAP Ranking 2024 đã trở thành một kênh tham khảo hữu ích cho các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) ở Việt Nam trong việc đối sánh thành tựu nghiên cứu hàng năm để từ đó có thể hoạch định chiến lược phát triển cho những năm tiếp theo.
Theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban, tiêu chuẩn 6 về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quy định năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo được thể hiện qua nguồn thu từ các hoạt động này và kết quả công bố khoa học.
Trong đó, Tiêu chí 6.2 của Thông tư này có nội dung như sau: “Số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian không thấp hơn 0,3 bài/năm; riêng đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ không phải trường đào tạo ngành đặc thù không thấp hơn 0,6 bài/năm trong đó số bài có trong danh mục Web of Science hoặc Scopus (có tính trọng số theo lĩnh vực) không thấp hơn 0,3 bài/năm”.
Điều này cho thấy việc xem xét hiệu suất công bố khoa học đối với các CSGDĐH ở Việt Nam là rất cần thiết và cũng đảm bảo việc tuân thủ Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024.
Kết quả hiệu suất công bố khoa học chắc chắn là thông tin quan trọng giúp các CSGDĐH tham khảo và đối chiếu kịp thời với các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
.jpg)
Phương pháp và dữ liệu xếp hạng hiệu suất công bố bài báo nghiên cứu
Trên cơ sở Tiêu chuẩn 6.2 của Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024 của Bộ Giáo dục và Đào về chuẩn cơ sở giáo dục đại học, hiệu suất công bố khoa học (E) của các CSGDĐH ở Việt Nam năm 2024 được xác định thông qua tỷ lệ giữa số bài báo nghiên cứu (article, không tính những bài báo nghiên cứu bị rút vì vi phạm liêm chính nghiên cứu hoặc tương đương) trong Cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS, Mỹ) trên số giảng viên cơ hữu (GV) được ghi nhận trong năm 2023 (hoặc cuối năm 2022).
Ngoài ra, hiệu suất E có phụ thuộc vào độ lệch giữa số tạp chí WoS và số tạp chí Scopus (xét tại thời điểm truy xuất dữ liệu) để đảm bảo tính tối ưu theo Tiêu chuẩn 6.2.
Dữ liệu giảng viên cơ hữu của các CSGDĐH được truy xuất từ dữ liệu ba công khai trong thời gian đã nêu nhằm đảm bảo cho việc nghiên cứu và công bố các bài báo nghiên cứu loại WoS cho năm 2024.
Dữ liệu bài báo nghiên cứu loại WoS năm 2024 của các CSGDĐH được truy xuất cho cả năm 2024, tức là từ ngày 01/01/2024 – 31/12/2024. Thời gian truy xuất dữ liệu là lúc 23 giờ 15 phút ngày 27/01/2025.
Tất cả 240 CSGDĐH ở Việt Nam điều được xem xét và chỉ có những CSGDĐH có tối thiểu 40 bài báo nghiên cứu loại WoS (tại thời điểm truy xuất) trong năm 2024 mới được xem xét.
Theo SARAP Ranking 2024, có 70 CSGDĐH đạt tiêu chuẩn tối thiểu này. Ngoài ra, tính đến thời điểm này, không tìm thấy dữ liệu công khai về giảng viên cơ hữu năm 2023 (hoặc cuối năm 2022) của 04 CSGDĐH gồm Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, Học viện Quân Y, Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Do đó, 04 CSGDĐH không được xem xét xếp hạng về hiệu suất công bố bài báo nghiên cứu năm 2024 như đã nêu.
Kết quả xếp hạng hiệu suất công bố bài báo nghiên cứu năm 2024
Với dữ liệu và phương pháp đã được trình bày ở trên, có 66 CSGDĐH trong số 240 CSGDĐH ở Việt Nam đã vào Bảng xếp hạng hiệu xuất công bố bài báo nghiên cứu năm 2024 (ký hiệu: SARAP Ranking 2024E); và có tất cả là 50 hạng, vì có những CSGDĐH đồng hạng.
Tốp 10 trong SARAP Ranking 2024E có nhiều điều thú vị; bên cạnh những tên tuổi quen thuộc thì có sự xuất hiện của một số CSGDĐH còn khá trẻ.
Đứng đầu là Trường ĐH VinUni với chỉ số E rất cao là 4,15. Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội được xếp thứ hai với chỉ số E là 2,93; ĐH Duy Tân được xếp thứ hai với chỉ số E là 1,91. Các vị trí còn lại trong Tốp 10 tương ứng là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Phenikaa và Trường ĐH Y Hà Nội.
Có thể thấy, những CSGDĐH trong Tốp 10 của SARAP Ranking 2024E có chỉ số E khá cao (thấp nhất là 0,96) so với chuẩn yêu cầu theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có 55 trong tổng số 66 CSGDĐH được vào SARAP Ranking 2024E có chỉ số E đáp ứng yêu cầu của Thông tư này, tối thiểu là 0,3.
Nhìn chung hạng của đa số CSGDĐH trong SARAP Ranking 2024E có thay đổi đáng kể so với xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu năm 2024. Dưới đây là kết quả xếp hạng SARAP Ranking 2024E như đã nêu:
Hạng | Cơ sở giáo dục đại học | WoS | GV | E |
1 | Trường ĐH VinUni | 164 | 77 | 4,15 |
2 | Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội | 134 | 89 | 2,93 |
3 | ĐH Duy Tân | 870 | 889 | 1,91 |
4 | ĐH Bách khoa Hà Nội | 812 | 1078 | 1,47 |
5 | ĐH Kinh tế TP.HCM | 460 | 627 | 1,43 |
6 | Trường ĐH Dược Hà Nội | 93 | 159 | 1,14 |
7 | Trường ĐH Tôn Đức Thắng | 521 | 997 | 1,02 |
8 | ĐH Quốc gia TP.HCM | 1558 | 3023 | 1,00 |
9 | ĐH Phenikaa | 379 | 757 | 0,98 |
10 | Trường ĐH Y Hà Nội | 372 | 754 | 0,96 |
11 | Trường ĐH Việt Đức | 66 | 135 | 0,95 |
12 | Trường ĐH Cần Thơ | 513 | 1104 | 0,91 |
13 | Trường ĐH Mở TP.HCM | 256 | 562 | 0,89 |
14 | Trường ĐH Y Dược TP.HCM | 405 | 952 | 0,83 |
15 | Trường ĐH Sư phạm Hà Nội | 268 | 648 | 0,81 |
16 | Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM | 321 | 828 | 0,76 |
17 | Trường ĐH Nguyễn Tất Thành | 481 | 1245 | 0,75 |
18 | Học viện Nông nghiệp Việt Nam | 233 | 626 | 0,72 |
18 | ĐH Quốc gia Hà Nội | 1017 | 2739 | 0,72 |
19 | Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM | 358 | 1089 | 0,64 |
20 | Trường ĐH Công thương TP.HCM | 178 | 590 | 0,59 |
21 | Trường ĐH Y tế Công cộng | 56 | 187 | 0,58 |
22 | Trường ĐH Vinh | 156 | 550 | 0,55 |
22 | Trường ĐH Nông lâm TP.HCM | 158 | 564 | 0,55 |
23 | Trường ĐH Tài chính - Marketing | 110 | 405 | 0,53 |
23 | ĐH Kinh tế Quốc dân | 190 | 704 | 0,53 |
24 | Trường ĐH Văn Lang | 498 | 1864 | 0,52 |
25 | Trường ĐH Thương Mại | 133 | 503 | 0,51 |
26 | ĐH Huế | 484 | 1876 | 0,50 |
26 | Trường ĐH Sư phạm TP.HCM | 158 | 614 | 0,50 |
26 | Trường ĐH Thủy Lợi | 171 | 665 | 0,50 |
27 | Trường ĐH Xây dựng Hà Nội | 156 | 640 | 0,47 |
28 | Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch | 137 | 577 | 0,46 |
29 | Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội | 118 | 524 | 0,44 |
30 | Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM | 89 | 402 | 0,43 |
30 | Trường ĐH Nha Trang | 101 | 458 | 0,43 |
31 | ĐH Đà Nẵng | 451 | 2127 | 0,41 |
31 | Trường ĐH FPT | 335 | 1581 | 0,41 |
32 | Trường ĐH Thủ Dầu Một | 137 | 663 | 0,40 |
32 | Học viện Ngân hàng | 65 | 318 | 0,40 |
33 | Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai | 55 | 291 | 0,37 |
33 | Trường ĐH Điện Lực | 85 | 452 | 0,37 |
33 | Trường ĐH Tây Nguyên | 85 | 453 | 0,37 |
34 | Trường ĐH Sài Gòn | 87 | 465 | 0,36 |
35 | Trường ĐH Đà Lạt | 56 | 319 | 0,34 |
35 | Trường ĐH Kỹ thuật Lê Qúy Đôn | 271 | 1561 | 0,34 |
35 | Trường ĐH Giao thông Vận tải | 155 | 893 | 0,34 |
35 | Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 | 69 | 400 | 0,34 |
36 | Trường ĐH Đồng Tháp | 80 | 479 | 0,33 |
37 | Trường ĐH Quy Nhơn | 83 | 498 | 0,32 |
37 | Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên | 64 | 388 | 0,32 |
38 | Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội | 191 | 1188 | 0,31 |
39 | Trường ĐH Ngoại thương | 91 | 582 | 0,30 |
39 | Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải | 80 | 515 | 0,30 |
39 | ĐH Thái Nguyên | 364 | 2398 | 0,30 |
40 | Trường ĐH Hồng Đức | 59 | 414 | 0,28 |
41 | Trường ĐH Y Dược Hải Phòng | 57 | 423 | 0,26 |
42 | Trường ĐH Công nghệ TP.HCM | 268 | 2096 | 0,25 |
43 | Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội | 65 | 520 | 0,24 |
44 | Trường ĐH Y Dược Thái Bình | 40 | 342 | 0,23 |
45 | Trường ĐH Đông Á | 57 | 504 | 0,22 |
46 | Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội | 55 | 507 | 0,21 |
47 | Trường ĐH Hàng hải Việt Nam | 61 | 586 | 0,20 |
48 | Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long | 53 | 763 | 0,14 |
49 | Trường ĐH Trà Vinh | 69 | 1002 | 0,13 |
50 | Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM | 53 | 1071 | 0,10 |
SARAP Ranking 2024E
Những lưu ý về Bảng xếp hạng SARAP Ranking 2024E
Đối với Tiêu chí 6.2 của Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 05/02/2024 yêu cầu số bài báo có trong danh mục WoS hoặc Scopus không thấp hơn 0,3 bài/năm đối với các CSGDĐH có đào tạo tiến sĩ, thực tế thì các CSGDĐH có thể đạt cao hơn hiệu suất E trong SARAP Ranking 2024E. Bởi lẽ việc tính hiệu suất như đã nêu còn có những trọng số ưu tiên theo lĩnh vực và ngoài ra loại ấn phẩm được xem xét có thể đa dạng hơn (không chỉ mỗi bài báo nghiên cứu).
Hơn nữa, yêu cầu hiệu suất bài báo WoS hay Scopus chỉ được xem xét đối với các CSGDĐH có đào tạo tiến sĩ; và dễ thấy hầu hết các CSGDĐH được vào SARAP Ranking 2024E có đào tạo bậc tiến sĩ.
Kết quả xếp hạng của các CSGDĐH trong SARAP Ranking 2024E chỉ có ý nghĩa tượng trưng mang tính đối sánh nhất định, nhất là đối với những thứ hạng không có sự sai khác nhau nhiều về chỉ số E. Tuy nhiên, nếu có sự khác biệt lớn về chỉ số E giữa các CSGDĐH thì có thể là vấn đề đáng suy ngẫm.
Việc xem xét hiệu suất công bố bài báo nghiên cứu là một bước tiến quan trọng so với việc chỉ xem xét số lượng báo báo nghiên cứu trong công tác đo lường khoa học. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là kết quả xếp hạng SARAP Ranking 2024E và chất lượng thực chất của các CSGDĐH nên có sự tương đồng.
Điều này chỉ có thể xảy ra khi các CSGDĐH có thể chuyển giao các bài báo nghiên cứu một cách hiệu quả để tạo giá trị thực như đã được trình bày trong bài báo “Ba loại sản phẩm khoa học công nghệ tạo ra tiền, Đại biểu Nhân dân, Văn phòng Quốc hội, 01/02/2024, https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/ba-loai-san-pham-khoa-hoc-cong-nghe-tao-ra-tien-i359338/”.
SARAP Ranking 2024E sử dụng dữ liệu gần nhất của năm xem xét xếp hạng nên có giá trị tham khảo chiến lược rất cao. Kết quả này có thể giúp cho các CSGDĐH và cộng đồng có thể thấy được thành tựu nghiên cứu cứu (bài báo) mới nhất. Điều này có thể giúp cho CSGDĐH có thể xem xét điều chỉnh chiến lược phát một cách kịp thời và bền vững.
Trong đó phát triển nghiên cứu khoa học bền vững đã được Bộ Chính trị quán triệt trong quan điểm chỉ đạo tại Mục 4 Phần I của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tiến sĩ Lê Văn Út - Trưởng nhóm Nhóm Nghiên cứu Đo lường Khoa học và Chính sách Quản trị Nghiên cứu (SARAP), Trường Đại học Văn Lang