Kinh tế - ngân sách là lĩnh vực quan trọng nhất quyết định trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và là một yếu tố bảo đảm duy trì hoạt động của bộ máy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, việc quyết định chỉ tiêu kinh tế - ngân sách đúng sẽ tập trung nguồn lực vào lĩnh vực then chốt, kích thích đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng cùng phát triển.
HĐND là cơ quan duy nhất được pháp luật giao thẩm quyền quyết định các vấn đề về kinh tế và ngân sách ở địa phương. Việc nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND là một yêu cầu luôn được đặt ra đối với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.
Kết hợp các phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp
Về cơ bản, các quy trình, các bước thẩm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực kinh tế - ngân sách có những đặc thù riêng, mang tính chuyên sâu. Đối với thẩm tra dự toán ngân sách hàng năm, đòi hỏi phải đầu tư nghiên cứu kỹ báo cáo và các tài liệu liên quan.
Để có được những nhận định đánh giá đúng về việc xây dựng dự toán ngân sách địa phương hàng năm, cần kết hợp các phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp giữa các nội dung với số liệu trong dự toán và với số liệu đánh giá ước thực hiện trong năm, số liệu quyết toán, kiểm toán...; những nhận định của cơ quan chức năng, dự báo của các tổ chức quốc tế, dư luận xã hội. Đánh dấu những nội dung chính, quan trọng (bao gồm cả phần nội dung và số liệu cụ thể) để tập trung nghiên cứu.
Khi thẩm tra, cần xem xét tính khả thi của dự toán thu, dự toán chi đặt trong bối cảnh, tình hình thực tế của địa phương và theo nguyên tắc, dự toán thu ngân sách trên địa bàn năm sau phải cao hơn năm trước. Trong thực tế, những năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm 2020, 2021 và 2022, UBND tỉnh Lào Cai đều trình HĐND tỉnh giao thu ngân sách trên địa bàn đầu năm là 9.500 tỷ đồng. Khi thẩm tra dự toán thu ngân sách năm 2022, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã nêu vấn đề và đề nghị các cơ quan xây dựng dự toán phải xem xét lại.
Tại Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2022), khi thẩm tra Tờ trình của UBND tỉnh về điều chỉnh dự toán thu ngân sách trên địa bàn năm 2022, sau khi phân tích các yếu tố tác động, những thuận lợi và khó khăn, mức độ phục hồi và phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn, Ban thấy dư địa tăng thu ngân sách của tỉnh vẫn còn, do đó đã đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh dự toán thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 là 10.000 tỷ đồng (tăng 500 tỷ so với dự toán đã giao đầu năm)
Bảo đảm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội
HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Vai trò quyết định trong lĩnh vực tài chính được thể hiện qua việc HĐND quyết định quyết định dự toán ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Chất lượng thẩm tra về lĩnh vực tài chính ngân sách được nâng lên sẽ nâng cao chất lượng quyết định những vấn đề về tài chính ngân sách của HĐND qua các kỳ họp. Qua đó, sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được các mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra.
Đối với việc thẩm tra dự toán chi ngân sách địa phương, cần nắm rõ tổng nguồn thu ngân sách địa phương; định mức phân bổ, nhiệm vụ chi ngân sách; các tiêu chuẩn, chế độ chi theo quy định, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội... Đồng thời, xem xét cơ cấu chi đầu tư phát triển với chi thường xuyên để bảo đảm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Báo cáo thẩm tra phải đánh giá rõ việc bảo đảm nguyên tắc cân đối thu - chi.
Đối với thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, phải khẳng định được tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các số liệu trong quyết toán, đánh giá chất lượng lập và chấp hành dự toán, kết quả đạt được so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cũng như việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong quản lý điều hành ngân sách và các vấn đề tồn tại cần khắc phục. Khi thẩm tra, so sánh, đối chiếu các số liệu với Báo cáo quyết toán ngân sách của Kho bạc Nhà nước và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về quyết toán ngân sách địa phương (nếu có). Báo cáo thẩm tra cũng cần đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng ngân sách trong năm, hoặc trong giai đoạn, qua đó thấy được sự điều hành ngân sách của chính quyền địa phương đã bảo đảm các nguyên tắc, quy định của pháp luật và bảo đảm tốt nguồn lực cho phát triển của địa phương.
Đối với thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, thực chất là phân bổ chi tiết dự toán ngân sách cho đầu tư phát triển nên nguyên tắc là kế hoạch vốn đầu tư công phải thống nhất với dự toán chi ngân sách, các dự án được bố trí kế hoạch trung hạn và hàng năm phải theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.