Xem xét các nội dung thận trọng, nghiêm túc, đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, đến nay, Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 đã được triển khai nghiêm túc và cơ bản hoàn thành đúng tiến độ; các nội dung đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thận trọng, nghiêm túc trên cơ sở đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, không chạy theo số lượng.
Việc chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp được tiến hành bài bản, chu đáo, bám sát các quan điểm, định hướng của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn.
Các nội dung thuộc công tác lập pháp được triển khai hiệu quả; đặc biệt, đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các chuyên đề giám sát được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, chủ động, có sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí thời gian hợp lý và kịp thời thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, góp phần hoàn thiện cơ sở chính trị, pháp lý để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác sắp xếp trong giai đoạn tới.
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được tổ chức triển khai với nhiều hoạt động nổi bật. Công tác đại biểu, công tác dân nguyện, việc giữ mối liên hệ công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan, công tác tham mưu, phục vụ, bảo đảm và các công tác khác đều được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tích cực.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025 gồm 3 điều và Phụ lục dự kiến các phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025.
Và, theo dự thảo Nghị quyết, trong năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức 12 phiên họp thường kỳ (từ phiên họp thứ 41 đến phiên họp thứ 52), xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 120 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, dự thảo Nghị quyết và bố trí các nội dung trong Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025 được xây dựng trên cơ sở bám sát một số nguyên tắc.
Theo đó, tuân thủ đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong việc xem xét, quyết định, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian gửi tài liệu
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, về đánh giá thực hiện Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc trong năm 2024, Văn phòng Quốc hội trên cơ sở báo cáo tổng kết các kỳ họp gần đây và các nội dung khác của năm nay để khái quát, liều lượng được các kết quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tính chất, mức độ của các nội dung đã thực hiện, theo hướng để có kết quả thành công của Quốc hội như đã nêu tại các báo cáo thì vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất lớn và rất quan trọng.
Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều dự án luật khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc đã đã có nhiều thay đổi so với dự thảo ban đầu, cho thấy rõ vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đơn cử như dự thảo Luật Nhà giáo, từ hướng tiếp cận là tách các quy định về nhà giáo ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, thì đến khi trình Quốc hội đã có sự "thay đổi hoàn toàn"; đồng thời giảm từ hơn 100 điều xuống còn hơn 50 điều, bảo chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Hay với Luật Bảo hiểm y tế, với quyết tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự phối hợp của các cơ quan, nhiều nội dung quan trọng không được Chính phủ đề xuất lúc đầu, nhưng đã được bổ sung, trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua như: vấn đề thông tuyến không giới hạn theo địa giới hành chính đã tháo gỡ vướng mắc, khó khăn gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Về việc chưa dự kiến các phiên họp chuyên đề pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội "chuẩn bị đến đâu thì thực hiện họp các phiên chuyên đề pháp luật đến đó". Trên cơ sở kinh nghiệm thực tế, trong năm 2025, khi tổ chức các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần bám sát nguyên tắc "chuẩn bị đến đâu làm đến đó", không dồn việc vào phiên họp chuyên đề pháp luật, tạo thuận lợi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến, tránh "cấp tập" cho các Ủy ban.
Về Hướng dẫn hoạt động của HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu không tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025, thì cần xây dựng báo cáo về nội dung này, tạo cơ sở cho HĐND các cấp thực hiện.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự kiến Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025 đã được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ; đề nghị, Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu tối đa các ý kiến, bảo đảm nội dung bố trí cho từng phiên họp đều thuộc thẩm quyền xem xét, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong Tờ trình cần trình bày khái quát các kết quả thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó thấy rõ hơn sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình xem xét, quyết định.
Về Hướng dẫn hoạt động của HĐND, nếu chuẩn bị nội dung bảo đảm chất lượng, sắp xếp được thời điểm phù hợp có thể xem xét tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, xem xét điều chỉnh nội dung hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các tháng cho phù hợp; chú ý thực hiện công tác chuẩn bị của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời Chính phủ cần tích cực chuẩn bị các nội dung…
“Trong thời gian tới, chúng ta phải tập trung tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về thời gian gửi tài liệu, thành phần tham dự… để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có điều kiện nghiên cứu tài liệu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại Phiên họp, với 100% số thành viên tham dự tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.