Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Theo Tờ trình Đề nghị bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng trình bày, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, rà soát các nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã thảo luận, thông qua đề nghị xây dựng một số dự án luật, dự thảo nghị quyết và đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín theo quy trình một kỳ họp với Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đối). Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi).
Theo Tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao về đề nghị xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi), do Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng trình bày, Luật Phá sản hiện hành tồn tại một số vướng mắc, bất cập như: quy định về thẩm quyền của Tòa án còn phân tán, chưa hợp lý; chưa quy định thủ tục giản lược để giải quyết những vụ việc đơn giản; chưa có quy định để kết hợp, sử dụng phương thức tố tụng điện tử; quy định về Quản tài viên còn có điểm bất cập.
Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xây dựng dự án Luật Phá sản (sửa đổi) với 5 nhóm chính sách lớn gồm: xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản; hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản để khắc phục vướng mắc, bất cập và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị bổ sung 5 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật (chưa tán thành bổ sung với dự án Luật Luật sư (sửa đổi) như đề nghị của Chính phủ - PV) và dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với những lý do được nêu tại các Tờ trình của Chính phủ và Tòa án Nhân dân Tối cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hồ sơ đề nghị xây dựng các luật, nghị quyết cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số tài liệu trong hồ sơ.
Bên cạnh đó, theo Chương trình đã được quyết định, tại Kỳ họp thứ Chín, khối lượng công tác lập pháp của Quốc hội là rất lớn (dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 10 luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến 12 dự án luật).
Đồng thời, ngoài các dự án luật, nghị quyết đã có đề nghị bổ sung lần này, Chính phủ đang nghiên cứu, dự kiến tiếp tục đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2025 một số dự án luật khác.
Do đó, để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa phù hợp với quỹ thời gian và cân đối khối lượng công việc Quốc hội tại một kỳ họp, bảo đảm chất lượng luật được Quốc hội thông qua, căn cứ ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến tại phiên họp thẩm tra, Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín theo quy trình một kỳ họp.
Đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật trình 2 phương án.
Theo đó, phương án thứ nhất là bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín theo quy trình một kỳ họp như đề xuất của Chính phủ.
Phương án thứ hai là bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười; trường hợp dự án Luật được chuẩn bị bảo đảm chất lượng, đạt sự đồng thuận cao của đại biểu Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Đối với các dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Phá sản (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật nhất trí bổ sung các dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười.
Đối với dự án Luật Luật sư (sửa đổi), đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 mà sẽ xem xét, đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026.
Làm nhanh, gọn, bảo đảm chất lượng các dự án luật
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết do Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao trình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Cụ thể là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với nội dung cơ bản của các chính sách do Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất.
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bước vào thời kỳ mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói. Do có nhiều vấn đề mới phát sinh đòi hỏi chúng ta phải làm nhanh, làm gọn và bảo đảm chất lượng, tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của đất nước hiện nay, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước.
"Chúng ta không vì một nhóm lợi ích nào, không vì lợi ích cục bộ trong quá trình sửa đổi luật hiện hành, xây dựng luật mới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh các dự án luật, nghị quyết được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 lần này, Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ đang nghiên cứu, dự kiến tiếp tục bổ sung một số vấn đề vào Chương trình. Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong thời gian tới đây có liên quan tới 3 luật chính, là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cùng với đó, cũng sẽ phải xem xét, sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành khác.
Với yêu cầu thực tế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ xem xét trình các cơ quan của Quốc hội để có sự chủ động nghiên cứu sớm. Quan trọng nhất, theo Chủ tịch Quốc hội là Chính phủ phải xem, phải thấy và đề xuất sửa đổi thật sớm, thật nhanh các luật này; Bộ Tư pháp cần làm việc tích cực với Bộ Nội vụ, các bộ liên quan để tính toán, chuẩn bị cho vấn đề này.
Với các dự án luật, nghị quyết đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, qua thực hiện nếu những vấn đề nào thấy vướng, cần sửa đổi ngay thì mới trình ra Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Đối với các luật sửa đổi toàn diện, thì phải trình Quốc hội xem xét, thông qua trong 2 kỳ họp.
Do đó, các bộ, ngành cần phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để xem xét những dự án luật đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Nếu sửa đổi phải tập trung cho những nội dung cấp bách, tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong một kỳ họp.
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo Nghị quyết do Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao trình. Sau khi thảo luận, cân đối chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự cần thiết nhưng đề nghị lùi dự án Luật Luật sư (sửa đổi) sang năm 2026.
Về tiến độ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín theo quy trình một kỳ họp đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đối với dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Phá sản (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật thẩm tra; dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra; dự án Luật Phá sản (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế thẩm tra; dự án Luật Báo chí (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, giáo dục thẩm tra. "Sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy thì người đi đâu việc đi đấy", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Tại Phiên họp, với 100% số thành viên tham dự tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.