Xem đọc sách là ước vọng tự thân

- Thứ Ba, 30/11/2021, 05:11 - Chia sẻ
Theo các nhà nghiên cứu, rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ có ý nghĩa quan trọng đến việc phát triển văn hóa đọc của mỗi quốc gia. Công việc này phải tạo được gốc rễ, bắt đầu từ mỗi gia đình, song song với sự bổ trợ của trường học.

Ươm mầm thế hệ đọc tương lai

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh nhận định, hiện nay việc kết nối con người trên mạng nhanh đến nỗi khiến cho giới trẻ quên cả cách kết nối với con người thật; sự kết nối lỏng lẻo của gia đình, người thân và những người xung quanh, sự tương tác có thật mang đến hơi ấm có thật, giá trị có thật bắt đầu bị coi nhẹ. "Những bộ giá trị của giới trẻ cũng vì thế dần biến mất; giá trị về gia đình, con người, tâm lý sẽ tăng lên. Điều này đã có những chứng thực trong cuộc sống. Thói quen nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu một vấn đề đang bị mai một, tôi cho đây là điều rất nguy hiểm".

Nhà thơ Đoàn Văn Mật cũng cho rằng, một con người khi tiếp xúc với sách vở thì tâm hồn sẽ khác hoàn toàn so với người chỉ tiếp xúc với máy tính, điện thoại, bởi tiếp xúc với sách vở là đi sâu vào tri thức chìm, những tinh hoa của nhân loại. Máy tính, điện thoại khi lướt qua chỉ là những kiến thức bề nổi. Nếu một đứa trẻ tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, máy tính sẽ không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng tinh thần các em.

Trẻ không đọc sách từ bé, lớn lên sẽ không đọc sách. Đó là điều đáng tiếc. Ở nhiều nước phương Tây, giờ đọc sách là giờ bắt buộc, đọc sách nghĩa là học, nhà trường xây dựng quy chế rõ ràng về việc học sinh phải đọc bao nhiêu cuốn sách mỗi năm. Thế nhưng ở nước ta, hiện chưa có thói quen ấy. Dạy văn hóa đọc trong nhà trường chính là ươm mầm những thế hệ đọc tương lai, cũng là tạo dựng cho văn hóa đọc có bề rộng nhưng có cả chiều sâu.

Nói về gốc rễ của văn hóa đọc, TS. Thụy Anh dẫn chứng, gần đây chúng ta đã có những phong trào, cuộc thi củng cố văn hóa đọc, nhưng "tất cả những điều đó chỉ là ngọn, sâu rễ chính là chạm vào hành vi, thói quen của mỗi người, bắt nguồn từ giáo dục, từ gia đình đến nhà trường”. Về việc đưa đọc sách vào nhà trường, TS. Thụy Anh góp ý, cần xem lại phương pháp dạy học định hướng năng lực của học sinh chứ không phải thầy cô giáo hay sách giáo khoa là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất.

“Chúng ta đã soạn một thực đơn về thân xác cho con em chúng ta quá kỹ lưỡng, thậm chí vượt mức đầy đủ, nhưng lại quên soạn thực đơn tâm hồn cho chúng. Rồi đến một ngày, gặp đứa trẻ nào đó bất hiếu, vô cảm, tự kỷ hoặc có thể gây tội ác tày trời thì thật đau lòng. Vì vậy, phải nhớ rằng, một trong những yếu tố điều chỉnh những hành vi đau lòng đó là những trang sách đầy nhân văn và xúc động. Cho nên, đừng nghĩ đọc sách là hoạt động bắt buộc, mà phải xem đó là ước vọng tự thân của mỗi đứa trẻ”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Trẻ cần được rèn kỹ năng, hình thành thói quen và tình yêu với sách

Nguồn: Đinh Tị Books 

Rèn kỹ năng và tình yêu sách

Các nhà nghiên cứu khẳng định, cần nhìn nhận đọc sách là động lực góp phần phát triển toàn diện kinh tế và xã hội tương lai. Thống kê cho thấy, 90% người giàu nhất thế giới đều có thói quen đọc sách mỗi ngày, trong đó dân tộc Do Thái đọc 60 cuốn sách/năm; ở Nhật Bản, con số này là 10 - 20 cuốn, Trung Quốc là 4,66 cuốn. Trong khi ở nước ta, trung bình chưa đến 1 cuốn sách/người/năm.

Nguyên Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam Võ Thị Xuân Hà chia sẻ, chúng ta không thể động viên con em đọc sách, mà phải đưa đọc sách vào nhà trường, xem nó như bộ môn bắt buộc. “Tôi đã đặt vấn đề này với Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị xây dựng bộ môn dạy đọc sách cho học sinh từ bậc tiểu học trong thời gian tới”.

Cũng theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, khi trẻ tiếp xúc với máy móc, điện thoại, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… sẽ rèn tư duy động. Đây là điều rất tốt nhưng nếu không có tư duy tĩnh làm nền, chúng sẽ bị hẫng. Dạy trẻ cách đọc sách trong nhà trường, cuốn sách nào nên và không nên đọc, tìm hiểu thông số của sách, sẽ rèn được kỹ năng, khi có kỹ năng mới có thói quen và tình yêu với sách.

Trong gia đình, khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ không chỉ đọc sách cho con, đọc sách cùng con, mà đưa con đến hiệu sách cũng là việc nên làm, từng bước đưa sách đến với trẻ bằng việc lựa chọn kỹ lưỡng từng cuốn sách cho con, kiên nhẫn đọc, kiên nhẫn giải thích để con có được những cuốn sách hay. Đây là những việc làm tưởng như nhỏ bé nhưng đòi hỏi tầm nhìn văn hóa, tình yêu sâu sắc đối với trẻ.

Ở phương diện quốc gia, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho biết, Việt Nam thiếu các cuộc điều tra, định kỳ hàng năm hoặc 5 năm 1 lần trên toàn quốc về thói quen và độ tuổi đọc sách để có định hướng điều chỉnh phù hợp. Muốn làm tốt văn hóa đọc, cần làm tốt cả hai chiều, chiều từ trên xuống thể hiện qua các chính sách của Nhà nước và chiều từ dưới lên, tức là người dân tự phát huy, chủ động thực hiện. Cùng với nhà trường, xã hội, các cơ quan văn hóa rèn ý thức trong việc đọc sách, các gia đình cũng nên hướng con mình vào việc này. Gia đình có tủ sách, bố mẹ cùng đọc sách và giúp con đọc ngay từ nhỏ thì văn hóa đọc càng có cơ hội phát triển.

Hương Sen