Xây trụ đỡ từ công nghiệp chế biến, chế tạo
Nền công nghiệp trong nước những năm qua tuy đã có bước phát triển nhưng vẫn chưa chứng tỏ được sức bật mạnh mẽ, xứng đáng với tiềm năng của đất nước. Là ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo cần trở thành điểm tựa tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản xuất công nghiệp Việt Nam. Đây là nội dung nổi bật được thảo luận tại Diễn đàn sản xuất và công nghiệp Việt Nam năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21.4.
Thiếu các ngành công nghiệp nền tảng
Sản xuất công nghiệp ngày càng có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp đã tăng 7,6%, giá trị sản xuất tăng bình quân 10% trong giai đoạn 2011 - 2015. Nhìn lại chặng đường 5 năm, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đã đi lên và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mặc dù vậy, các ngành công nghiệp vẫn đang bộc lộ nhiều hạn chế mà chưa thể khắc phục triệt để. Nhìn nhận về điều này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, mặc dù có dịch chuyển, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cơ cấu công nghiệp của Việt Nam đang ở đẳng cấp rất thấp, việc dịch chuyển lên đẳng cấp cao còn rất chậm. Công nghiệp nội địa vẫn nặng về khai thác tài nguyên và sản xuất thô, có tính gia công cao, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cho đất nước và thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, do đó chưa tạo được sức bật cũng như chưa tham gia được rộng vào mạng sản xuất và sâu chuỗi giá trị toàn cầu.
![]() Nguồn: mailinhseafood.com |
Bên cạnh đó, sản xuất tăng cao ở một số nhóm ngành có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi một số nhóm ngành thuộc khối các doanh nghiệp trong nước tăng thấp hơn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước do công nghiệp chế biến, chế tạo hỗ trợ sản xuất chậm phát triển.
Hướng tới trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam tiếp tục là ngành sản xuất thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất. Số liệu thống kê trong 2 tháng đầu năm 2016 cho thấy, có 216 dự án của nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép mới trong lĩnh vực này với tổng số vốn đăng ký mới là 1.717,049 triệu USD. Số lượt dự án tăng vốn là 149 với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 1.190,981 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2015, số dự án đầu tư mới vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 1,88 lần; số vốn đăng ký cấp mới tăng 1,79 lần; tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm tăng 2,08 lần. |
Trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng, được xem là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Việc ký kết, triển khai các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo ra những điều kiện quan trọng cho ngành công nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương khẳng định, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu thì nhất thiết phải phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như là trọng tâm của phát triển công nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I năm 2016 cho thấy, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang đứng trước sự phát triển khả quan. Với 91,1% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cho rằng số lượng đơn hàng nhận được trong năm 2016 sẽ cao hơn 2015, trong đó đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng lên trong năm nay. Có thể thấy, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài do đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam tận dụng được lợi thế nhân công và năng lượng giá rẻ hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá công nghiệp chế biến, chế tạo đang là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất của Việt Nam, hiện thu hút trên 70% vốn FDI.
Tăng trưởng của ngành công nghiệp trong thời gian qua đã thu hút và giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời cũng giúp lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, kỹ năng lao động. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh đã tạo ra nhu cầu rất lớn về công nghiệp hỗ trợ, là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Là một ngành công nghiệp còn mới, còn non trẻ, công nghiệp chế tạo cũng cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tồn tại và phát triển. Các chuyên gia nhận định rằng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã và đang có những tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo nói riêng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chấp nhận khó khăn ban đầu để đầu tư cho khoa học, công nghệ, nhân sự thì mới có thể phát triển kịp với thị trường và bền vững trong tương lai. Các doanh nghiệp trong nước phải chủ động liên kết với nhau để tạo thành mạng lưới khép kín từ việc sản xuất sản phẩm cho đến việc phân phối và tiêu dùng, tránh phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.
Thời gian gần đây, cùng với sự thay đổi về vị trí và chiến lược của các quốc gia trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã cho rằng, Việt Nam có khả năng là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới. Vì vậy, việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ để Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng.