Xây “thành lũy” phòng, chống dịch Covid-19

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 08:43 - Chia sẻ
Cùng với việc nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 trong khám, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, không ít cơ sở y tế đã tăng cường cảnh giác, chủ động xây dựng “thành lũy” để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đó là thông tin tại Tọa đàm “Phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở y tế” do Bộ Y tế vừa tổ chức.

Chủ động trong sàng lọc người bệnh

Là một trong những bệnh viện thực hiện tốt tiêu chí của Bộ Y tế về xếp loại an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết, dịch Covid-19 đối với các bệnh viện chuyên khoa về hô hấp là nguy cơ lớn nhất, bởi không ít trường hợp có triệu chứng hô hấp đến khám và điều trị tại đây. Nếu không có biện pháp sàng lọc thì việc lây lan dịch bệnh trong bệnh viện rất dễ xảy ra, đòi hỏi phải có quy trình bảo đảm cho bệnh viện an toàn.

Chính vì vậy, cùng với việc triển khai tất cả hướng dẫn, tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện Phổi Trung ương đã xây dựng mô hình bệnh viện an toàn trên cơ sở sàng lọc 3 lớp. Với lớp đầu tiên, ngay ngoài cổng bệnh viện, bệnh nhân và khách tới làm việc đều được sàng lọc rất kỹ như khai báo y tế, đo nhiệt độ. Tại đó, bệnh viện cũng bố trí riêng phòng khám cách ly cho những người bệnh có biểu hiện ho, sốt hay đến từ vùng tâm dịch. Sau khi khai báo y tế không có biểu hiện nhiễm Covid-19, người bệnh sẽ tới khoa, khám bệnh và tiếp tục được sàng lọc lớp thứ 2, thông qua việc trao đổi thông tin với bác sĩ, trên cơ sở xét nghiệm chụp X quang và được tư vấn về dịch Covid-19.

Trong trường hợp bệnh nhân phải điều trị nội trú, bệnh viện cũng đặt thêm lớp sàng lọc thứ 3, các khoa lâm sàng đều phải có một phòng riêng được gọi là phòng đệm - nơi các bác sĩ tiếp xúc, trao đổi kỹ hơn với các bệnh nhân trong vòng 1 ngày hoặc nửa ngày, sau đó mới chuyển về phòng thông thường. Trong quá trình điều trị, tất cả các khoa đều được khuyến cáo là luôn cảnh giác với dịch Covid-19.

“Để làm được sơ đồ như vậy, bệnh viện đã thành lập một đơn vị cách ly - nơi giải quyết những trường hợp sau khi sàng lọc. Nếu thấy có nghi ngờ nhiễm Covid-19, sẽ thực hiện ngay xét nghiệm Xpert (thông thường được sử dụng xét nghiệm lao) và sẽ cho kết quả trong vòng 15 phút. Bệnh viện đã trao đổi với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để đánh giá giá trị xét nghiệm. Nếu có thể áp dụng phương pháp xét nghiệm này, sẽ cho kết quả trường hợp mắc Covid-19 từ rất sớm, giúp giảm được số người lây nhiễm, mức lây nhiễm” - PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.

Nơi tiếp đón bệnh nhân tới khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương  

Nguồn: ITN 

Bảo đảm an toàn bệnh viện theo nhiều hướng

Với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - đơn vị trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thì việc bảo đảm an toàn bệnh viện là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, không chỉ là là tuân thủ tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra mà còn bảo đảm an toàn cho chính nhân viên y tế. Chính vì vậy, bệnh viện đã chủ động sắp xếp những khu vực riêng biệt, khu vực cho bệnh nhân được xác định dương tính với cầu thang riêng, sử dụng hệ thống riêng, độc lập hoàn toàn đối với việc cung ứng các dịch vụ cho những bệnh nhân bình thường. Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trung Cấp cho hay, đội ngũ nhân viên y tế điều trị cho những bệnh nhân dương tính cũng phải được cách ly riêng và ở lại bệnh viện trong suốt quá trình điều trị, cho đến khi hết đợt điều trị vẫn phải cách ly đủ 14 ngày và xét nghiệm âm tính 3 lần, mới được phép trở về với gia đình. Có những nhân viên phải ở lại bệnh viện vài tháng trời để thực hiện nhiệm vụ.

Bệnh viện cũng bố trí khu vực cách ly cho những đối tượng nghi ngờ, những người trở về từ vùng dịch, nước ngoài có dấu hiệu lâm sàng và không lý giải được bằng các triệu chứng, các bệnh lý thông thường, có các yếu tố nghi ngờ mắc Covid-19. Theo ông Nguyễn Trung Cấp, yêu cầu tại khu cách ly những đối tượng nghi ngờ phải cao hơn một bậc so với khu vực cách ly những đối tượng dương tính. Bởi khu vực cách ly những đối tượng dương tính chỉ cần cách ly hoàn toàn họ với bên ngoài là đủ, còn ở trong nhóm đối tượng nghi ngờ, một mặt phải cách ly họ với cộng, mặt khác phải cách ly giữa họ với nhau, để bảo đảm trong trường hợp có một người dương tính không lây nhiễm sang cho người khác.

Để cách ly nhóm dương tính, nhóm nghi ngờ và những bệnh nhân thông thường thì phải có những biện pháp về hạ tầng; cung ứng dịch vụ, có hệ thống biệt lập với nhau cả về mặt kỹ thuật, cũng phải thiết lập những rào cản, bảo đảm không có sự lây nhiễm từ khu vực này sang khu vực khác. Đơn cử như mở các đường cắt các hành lang thông gió, bảo đảm không khí từ khu vực nọ không sang được khu vực kia, xây dựng rào chắn để ngăn các lối đi, để đường người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh không không giao với đường của người bình thường.

Theo các chuyên gia, đối với những đơn vị tuyến đầu, nhằm thực hiện mục tiêu vừa chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, vừa góp sức phát hiện, truy vết nguồn dịch, cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", các cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhất là trạm y tế và y tế thôn, bản phải là những “chiến sĩ” tiên phong, thường trực 24/24h để chốt chặt trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời phát hiện, truy vết các trường hợp nghi ngờ. Đại diện Trung tâm Y tế thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh chia sẻ, trung tâm luôn trong trạng thái sẵn sàng các điều kiện để thu dung, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Tính đến nay, đã có 47 bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 được theo dõi, cách ly tại trung tâm theo đúng quy định nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế tại đây. 

“Để xây dựng thành luỹ phòng, chống dịch trong bệnh viện, vai trò của lãnh đạo rất quan trọng, nhưng chỉ lãnh đạo làm sẽ không đủ mà phải tất cả 100% cán bộ, nhân viên y tế đều có ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm quy định, bảo đảm an toàn bệnh viện” - PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Đỗ Quyên