Xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 14:20 - Chia sẻ
GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh học tập trực tuyến kéo dài, cũng như xu thế số hóa của một số trường đại học, cao đẳng hiện nay.

Tác động sâu sắc của văn hóa mạng

Bối cảnh chuyển đổi số cho thấy văn hóa số có những tác động rất sâu sắc đến văn hóa học đường bởi văn hóa học đường được tạo nên bởi bối cảnh. Văn hóa chung sẽ để lại những dấu ấn trên các nội hàm văn hóa tương tác, văn hóa internet hay văn hóa mạng tác động đến văn hóa học đường bởi đó là mối tương tác mang tính hai chiều. Đặc biệt chủ thể chính của văn hóa học đường là giáo viên, học sinh trong khi hai chủ thể này lại khai thác, sử dụng internet hay mạng xã hội rất phổ biến nên sự tác động lại càng trực tiếp và sâu sắc. Song song đó, là chủ thể của hoạt động dạy học với nhiều ngữ liệu cập nhật hiện đại được “chứa đựng” trên cổng thông tin internet; công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ trong đó có mạng xã hội, các phần mềm trở thành công cụ thực thi dạy học càng làm cho dấu ấn của văn hóa học đường bị tác động nhiều hơn.

Văn hóa học đường chịu tác động sâu sắc của văn hóa mạng

Vì thế, việc nghiên cứu văn hóa học đường và xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng là rất cần thiết. Bối cảnh hiện nay có thể quan tâm đến một số vấn đề cụ thể liên quan đến chủ thể chính là giáo viên và học sinh cũng như sự tương tác giữa hai chủ thể này trong hoạt động dạy học góp phần tạo ra văn hóa tương tác và văn hóa học đường.

Có thể thấy, dạy học trực tuyến được khai thác theo các hình thức khác nhau với các mức độ khác nhau: Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Khi dạy trực tuyến, sự tương tác giữa thầy cô và học sinh sẽ diễn ra có những biểu hiện khác với dạy học trực tiếp, nhất là ngôn từ, cảm xúc và các biểu hiện có liên quan đến hình ảnh, âm thanh đều có thể được lưu giữ...

Bên cạnh đó, người sử dụng mạng dần trẻ hóa và có xu hướng gia tăng, học sinh tiểu học đã đến với internet, Facebook từ nhiều nhu cầu khác nhau. Đồng thời, với các tính năng vượt trội của internet và sức thu hút của các khóa học trực tuyến cùng với việc có thể khai thác, tổ chức các khóa học trực tuyến khác nhau (cả thu phí và miễn phí), khá nhiều diễn giả, người nổi tiếng, người huấn luyện và cả giáo viên các cấp trở thành giáo viên trên mạng. Với sức ép của người học ảo mà thật, thật mà ảo, không ít khóa học đã khai thác hình ảnh giáo viên trên mạng phải độc đáo, mới lạ, cá tính. Từ đây, không ít hành vi, cử chỉ, cách nói năng và cả những hệ lụy nảy sinh xoay quanh cách triển khai lời giảng, cách cư xử hay ứng xử với người học. 

Khi mạng xã hội phát triển, các diễn đàn là cộng đồng mới được mở ra để trao đổi và chia sẻ, tương tác. Không chỉ là chia sẻ các thông tin tích cực mà nhiều diễn đàn bắt đầu nói xấu về nghề, về đồng nghiệp, học sinh, dần tạo ra những cái nhìn tiêu cực, đánh giá chủ quan để lan truyền các quan điểm có vấn đề về học đường cũng bắt đầu xuất hiện...

Khai thác yếu tố tích cực, tiết chế mặt trái

Có thể giới hạn cách hiểu về văn hóa mạng đó là tất cả những biểu hiện của con người tham gia vào cộng đồng internet và văn hóa được thể hiện trên mạng. Cụ thể, đó là thái độ, hành vi ứng xử đúng mực đối với internet, biết khai thác, sử dụng mạng trên cơ sở có kiến thức, hiểu biết, tận dụng và khai thác tối đa những yếu tố tích cực, lành mạnh để góp phần nâng cao tri thức và xây dựng, hoàn thiện nhân cách bản thân; đồng thời biết phòng ngừa, tiết chế, đề kháng với những mặt trái, tiêu cực từ internet. 

Xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng - Ảnh: tapchitaichinh.vn
Xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng

Việc xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa cần bảo đảm thực thi bằng nhiều giải pháp, trong đó xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số rất quan trọng, thậm chí là điều kiện cơ bản.

Các giải pháp sau đây là những định hướng quan trọng. Một là, cần phổ biến bằng nhiều hình thức và đánh giá hiệu quả phổ biến này để bảo đảm việc tuân thủ Luật An ninh mạng (2018), Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (2021) hiệu quả. Hai là, chú ý bồi dưỡng giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng. Ba là, hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng internet một cách chủ động. Bốn là, tăng cường chức năng giám sát của bộ, ngành có liên quan, nhất là các biện pháp quản lý hệ thống, toàn cục - thực tế cho thấy, văn hóa trên không gian số là vấn đề liên ngành cần quan tâm và đồng hành trách nhiệm nên không thể thiếu sự đầu tư của các ngành...

Đồng thời, cần xây dựng các chương trình hành động cụ thể gắn với các đề án hoặc đầu tư một đề án cụ thể, bài bản do Thủ tướng ra quyết định với sự tham gia và thực hiện của các bộ, ngành. Thực tế cho thấy sự trăn trở về văn hóa học đường trong bối cảnh số không phải chỉ từ góc nhìn giáo dục mà là nỗi lo của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý các ngành có liên quan như thông tin, truyền thông; văn hóa và quản lý văn hóa; lao động xã hội và trẻ em... Vì thế, để có một chương trình hành động có giá trị, có dấu ấn, không thể thiếu cái nhìn tổng thể để việc xây dựng văn hóa học đường trong không gian số hay thời đại số có tính hệ thống nhưng cũng có trọng điểm và nhất quán.

Ng. Phương