Xây dựng trường học không khói thuốc

Thực hiện trường học không khói thuốc không chỉ là biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn hành vi thử hút thuốc lá của các em học sinh, giảm tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc mà còn giúp cho các em học sinh, thầy cô giáo bảo đảm quyền được hít thở bầu không khí trong lành, tránh khỏi các tác hại nguy hiểm của khói thuốc.

Hình thành thói quen “nói không với thuốc lá”

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13 - 15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Nhận thức được mối đe dọa từ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với học sinh, giới trẻ, các cơ sở giáo dục, trường học trên khắp cả nước đã và đang triển khai nhiều giải pháp đa dạng để tuyên truyền về tác hại của khói thuốc, giúp học sinh hình thành thói quen nói không với thuốc lá.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, để ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, ngày 8.10.2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) tỉnh đã ban hành văn bản số 2476/SGDĐT-CTTT-GDTX về việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, Sở GD - ĐT yêu cầu các đơn vị quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục trong tỉnh phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông các nội dung: Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các thủ đoạn pha trộn, tẩm ướp chất cấm, chất ma túy… cho học sinh, nhất là học sinh THCS, THPT, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, có ý thức tránh xa, không sử dụng, lôi kéo bạn bè tham gia hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các chất gây nghiện.

x1.jpg
Nhiều trường học đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, thuốc lá nung nóng. Nguồn: ITN

Còn tại Sơn La, theo ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Sở đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các cấp trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các trường học về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thực hiện nghiêm túc hoạt động phát giác, tố giác vi phạm về thuốc lá trong trường học; triển khai các chương trình ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, chương trình ra quân hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống thuốc lá…

Đơn cử, trên địa bàn huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), năm học 2023 - 2024, các trường học đã tổ chức cho hơn 177.000 lượt học sinh, trên 4.000 sinh viên, hơn 18.000 cán bộ, giáo viên ký cam kết không vi phạm pháp luật về thuốc lá. Tổ chức 436 buổi tuyên truyền; 32 cuộc thi; cấp phát gần 3.800 tài liệu tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá. Qua công tác phát giác, tố giác đã phát hiện 269 học sinh vi phạm về sử dụng thuốc lá; các nhà trường đã phối hợp với gia đình học sinh và lực lượng công an cơ sở tổ chức cho học sinh vi phạm ký cam kết không tái phạm.

Lồng ghép nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhấn mạnh, nhà trường luôn coi công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá là nhiệm vụ quan trọng của mỗi năm học để bảo vệ sức khỏe cho chính học sinh, thầy cô giáo.

Hàng năm, trường đều mời chuyên gia đến trường chia sẻ trong các buổi ngoại khóa để các em hiểu rõ hơn tác hại, hệ lụy mà khói thuốc lá, thuốc lá điện tử gây ra. Học sinh còn sử dụng sơ đồ tư duy, tranh, ảnh sinh động để nói về nguyên nhân, thực trạng, tác hại và giải pháp phòng chống thuốc lá,thuốc lá điện tử trong trường học. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm và chủ động của các em. Bên cạnh đó, nhà trường lập kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, trong đó có Đoàn Thanh niên, Liên đội kiểm tra, ngăn chặn từ sớm nếu em nào có ý định sử dụng thuốc lá trong nhà trường. Tất cả trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm.

Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương Nguyễn Thị Vân Hồng cũng cho hay, ngay từ đầu năm học, nhà trường phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh cho các em ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật, nội quy của trường, bao gồm cả việc không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa các thành phần, đến nay học sinh toàn trường tuân thủ tuyệt đối và không tàng trữ, sử dụng, mua bán thuốc lá hay thuốc lá điện tử.

Tại Trường THCS Thiện Tân (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nhà trường thực hiện tuyên truyền, thuyết trình về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong giờ chào cờ đầu tuần. Nhiều pano, áp phích được treo trước cổng trường, trong sân trường; biển báo cấm hút thuốc lá xuất hiện trong lớp học, nhà vệ sinh để nhắc nhở người học, thầy cô giáo về tác hại và cách phòng, chống. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thiện Tân Trần Thị Thanh Thảo thông tin, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nhà trường còn cử học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật về mô hình sản phẩm phát hiện ra khói thuốc lá và phát ra cảnh báo; diễn kịch trong các buổi hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh về tác hại của thuốc lá.

Bác sĩ Ninh Thị Phương Mai (Khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E) nhìn nhận, nhiều thanh thiếu niên có quan niệm sai lầm rằng thuốc lá điện tử là an toàn. Do đó, việc giáo dục các em xác định thuốc lá điện tử cũng chứa các chất gây nghiện và các tác hại của chúng sẽ góp phần nâng cao ý thức, giúp trẻ tự nhận thức và bài trừ tệ nạn hút thuốc lá điện tử. Nhà trường nên tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học, giúp trẻ có lối sống lành mạnh, tránh sử dụng chất kích thích nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng.

Ngoài ra, khá nhiều trẻ hút thuốc lá do bắt chước, học theo các bạn, anh chị rủ rê. Do đó nhà trường cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh, nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp, chấm dứt các hành vi dụ dỗ, lôi kéo để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.

Sức khỏe

Mục tiêu đến năm 2025, Đồng Tháp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá đối với nam giới từ 15 tuổi trở lên đạt dưới 39%. Ảnh: ITN
Sức khỏe

Đồng Tháp đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá giai đoạn 2025-2030

Tại Kế hoạch thực hiện “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, địa phương này đặt mục tiêu tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá đối với nam giới từ 15 tuổi trở lên đạt dưới 39%; nữ giới từ 15 tuổi trở lên duy trì dưới 1,4%.