Du lịch TP Hồ Chí Minh - đồng bằng sông Cửu Long

Xây dựng thương hiệu vùng để sớm sôi động trở lại

- Thứ Ba, 07/07/2020, 05:33 - Chia sẻ
Sau 4 tháng gần như tê liệt do ảnh hưởng của Covid-19, ngành du lịch nội địa bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục. Cuối tuần qua, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long cùng 200 doanh nghiệp đã ngồi lại tìm các giải pháp nhằm đưa du lịch TP Hồ Chí Minh - đồng bằng sông Cửu Long sớm sôi động trở lại.

Sụt giảm một nửa số khách và doanh thu

Chưa có giai đoạn nào du lịch giảm sâu về lượng khách và doanh thu như lúc này, tác động không nhỏ đến tăng trưởng của mỗi địa phương, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cử Long (ĐBSCL) cho biết. 6 tháng đầu năm nay, thành phố chỉ đón 9,4 triệu lượt du khách, giảm 54,7% so với cùng kỳ, doanh thu đạt hơn 34.000 tỷ đồng, giảm 49,6%. Tương tự ở ĐBSCL, khách du lịch đạt gần 13 triệu lượt, giảm 51% và doanh thu đạt hơn 10.000 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.

Nguồn: ITN

Tuy nhiên, vào thời điểm này, nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo lợi thế rất lớn để có thể đi trước một bước trong phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là du lịch nội địa. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL đã phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin phòng chống dịch, bước đầu cùng nhau triển khai hiệu quả một số chương trình trong 13 chương trình liên kết. Nổi bật là hình thành cơ chế phối hợp phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; ra mắt trang web kích cầu du lịch; thực hiện hiệu quả 3 chương trình du lịch: Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biển và Non nước hữu tình. Những chương trình này đều hướng đến mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa 6 tháng cuối năm sôi động trở lại, thậm chí phải sôi động hơn cả giai đoạn trước và tạo động lực cho mọi người dân đều muốn đi du lịch đó đây ở Việt Nam. 

Một tín hiệu vui do Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ: Trong 2 tháng qua, không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đã có trên 50.000 lượt khách mua tour tại 5 doanh nghiệp lữ hành lớn của thành phố để đi du lịch ĐBSCL - tăng gần 14% so với cùng kỳ. “Chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Các tỉnh, thành phố đều gửi các chương trình giảm giá, những sản phẩm mới hấp dẫn để thực hiện chương trình kích cầu của thành phố”, ông Vũ thông tin.

Mỗi địa phương là một đại sứ du lịch

Một trong những hạn chế của du lịch ĐBSCL được nhắc tới lâu nay, đó là các sản phẩm na ná nhau: thăm vườn trái cây, chèo xuồng, đi chợ nổi, nghe đờn ca tài tử… 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, sản phẩm du lịch ĐBSCL thật ra rất khác biệt, không hề trùng lặp như nhiều người nói, như trong ẩm thực thì hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang) hoàn toàn khác với hủ tiếu Sa Đéc (Đồng Tháp). ĐBSCL có cù lao, rừng ngập mặn làm say lòng du khách nên cần nghiên cứu sản phẩm mới. Để liên kết du lịch thành công thì cần có sản phẩm cụ thể của từng tỉnh, thành. Nếu biết cách làm tour theo chủ đề thì sẽ tạo ra rất nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mang sắc thái riêng.

Hướng đến mục tiêu này, Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) đã đi khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, tìm kiếm và chọn lọc những điểm đến nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Một số tour mới (đều khởi hành từ TP Hồ Chí Minh) được Saigontourist đưa ra để phục vụ khách nội địa và quốc tế như: Tour "Sắc màu Khmer" đi tuyến Trà Vinh - Vĩnh Long; tour Bến Tre - Trà Vinh, tour Long An - làng cổ Phước Lộc Thọ - làng nổi Tân Lập, tour Làng hoa Sa Đéc - nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. 

Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo các địa phương thống nhất để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa. Trước hết, tập trung xây dựng thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Phấn đấu quý IV.2020 bắt đầu truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch vùng, trong đó mỗi địa phương là một đại sứ du lịch.

Cùng với đó, chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, kết hợp các đơn vị phân tích dữ liệu quốc tế để nắm bắt kịp thời tâm lý của du khách nước ngoài. Đối với những quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh, cần có kế hoạch quảng bá để du khách biết đến TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL là vùng du lịch an toàn và sống động. Trong đó TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy vai trò đầu mối, nhận khách đến và đưa về các địa phương thông qua các chương trình liên kết. 

Vũ CHâu