Xây dựng thể chế vượt trội, đột phá

- Thứ Sáu, 29/01/2021, 07:09 - Chia sẻ
Các nội dung về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... đã được thể hiện đậm nét, đồng bộ, hệ thống, xuyên suốt trong văn kiện trình Đại hội, có sự kế thừa, phát triển từ những bài học thành công và hạn chế thời gian qua, có tính đến các bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế. Nhấn mạnh điều này, tại phiên thảo luận về văn kiện Đại hội sáng qua, nhiều đại biểu cũng cho rằng trong giai đoạn tới, để thúc đẩy các lĩnh vực này cần tập trung xây dựng thể chế vượt trội, với cách làm mới, đột phá trên cơ sở phát huy nội lực và phải chấp nhận rủi ro trong hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đậm nét, đồng bộ, hệ thống và xuyên suốt

Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với mục tiêu này, việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại, có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chỉ rõ, trong giai đoạn tới, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nhận xét về dự thảo Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030, ông Huỳnh Thành Đạt cho rằng, các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được thể hiện đậm nét, đồng bộ, hệ thống, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược, đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, bảo đảm được tính kế thừa, phát triển từ những thành công và cả những hạn chế trong giai đoạn trước đây, đồng thời, có tính đến các bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế.

Quán triệt các nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, ngành khoa học công nghệ sẽ tập trung làm tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển KT - XH, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Nhiệm vụ thứ hai là, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Trong đó, chú trọng việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cần có nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ các rào cản trong hệ thống luật pháp và chính sách để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển KT - XH, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại; tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề này từ thực tế địa phương, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cũng cho rằng, thể chế phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ cần được khẩn trương hoàn thiện. Bởi lẽ, trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không phải là một mục đích tự thân. Thực chất, đó là phương thức mà thông qua đó, người dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành và giành được lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp nông nghiệp trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ không phải vì họ muốn vậy mà là họ bắt buộc phải làm vậy, nếu không đối thủ của họ sẽ đưa ra các sản phẩm tốt hơn, giá thấp hơn và sẽ lấy đi thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Theo ông Lê Quang Mạnh, việc hoàn thiện thể chế phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ phải hướng đến việc hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp sáng 28.1 Ảnh: TTXVN  

Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam

Quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển. Nhấn mạnh điều này, từ góc độ của ngành công thương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định". Theo đó, cần tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực hiện số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và tăng năng suất, chất lượng lao động trong sản xuất công nghiệp; tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu; kết nối, hợp tác để tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên nền tảng công nghệ số như thương mại điện tử, tài chính số...), tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái số.

Từ góc độ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng có cùng quan điểm với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi cho rằng “phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam”.
Chuyển đổi số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. “Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, ông nói.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Trên quan điểm “phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam”, ông cũng chỉ rõ, trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng thì Việt Nam càng phải làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “Make in Viet Nam”. Trong đó, làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu. “Phát triển hạ tầng số an toàn (SAFE), tin cậy (TRUST), tạo niềm tin số cho xã hội khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng, từ đó thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cũng với quan điểm “phát huy nội lực”, ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nên một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Nguyễn Bình