Xây dựng sản phẩm văn hóa cao cấp đặc trưng của Hà Nội
Trước những thách thức như hệ thống quản lý và các mô hình đầu tư chưa thật phù hợp để phát huy nguồn lực di sản, sự lấn át của sản phẩm văn hóa ngoại lai…, công nghiệp văn hóa Hà Nội cần có giải pháp để mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, trong đó xây dựng các sản phẩm văn hóa cao cấp đặc trưng.
Khai thác nghệ thuật truyền thống để tạo ra trải nghiệm hấp dẫn
Thời gian qua, việc khai thác di sản văn hóa tại Hà Nội còn gặp nhiều thách thức. Biểu hiện rõ nhất là thiếu sự liên kết trong phát triển kinh tế di sản, đặc biệt là hệ thống quản lý và các mô hình đầu tư chưa thật phù hợp để phát huy nguồn lực di sản, sự lấn át của các sản phẩm văn hóa ngoại lai... Chính vì vậy, GS.TS. Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng, bên cạnh những ngành công nghiệp văn hóa hiện đại sẽ là tiềm năng của một thành phố trung tâm, thì di sản văn hóa truyền thống của Hà Nội cũng là tiềm năng bền vững cần được coi trọng, khai thác và phát triển.
“Khi đã có nhận thức như vậy, theo tôi cần lan tỏa đến người lãnh đạo, quản lý và toàn dân, nhất là những nơi có các di sản để họ bảo vệ, gìn giữ và sáng tạo trong việc nảy ra các ý tưởng xây dựng và phát triển di sản đó phục vụ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mình. Muốn khai thác và phát triển cũng cần có những tài năng để biến di sản thành sản phẩm du lịch văn hóa thu hút người xem và để nó trở thành một sản phẩm văn hóa cao cấp đem lại giá trị kinh tế cho Hà Nội”, GS.TS. Lê Hồng Lý chia sẻ.

Lấy ví dụ về xây dựng sản phẩm văn hóa cao cấp, theo TS. Đinh Thị Kim Thương, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, show diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ là một ví dụ tiêu biểu trong xây dựng thương hiệu và quảng bá văn hóa của Hà Nội và vùng Bắc Bộ. Chương trình tận dụng tối đa các yếu tố truyền thống như nghệ thuật múa rối nước, hát chèo, ca trù, dân ca, trang phục truyền thống và các hình thức trình diễn dân gian đặc trưng của khu vực.
Thông qua chương trình, nghệ thuật truyền thống được tái hiện sinh động, sáng tạo, kết hợp cùng công nghệ hiện đại để tạo ra trải nghiệm hấp dẫn, mới lạ. Điều này giúp nâng cao giá trị của các hình thức nghệ thuật dân gian cổ truyền, biến chúng thành các sản phẩm nghệ thuật phù hợp để giới thiệu với đông đảo khán giả trong và ngoài nước.
“Tinh hoa Bắc Bộ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần, mà còn là một phần của chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu Hà Nội như một trung tâm văn hóa đặc sắc, có khả năng kết hợp truyền thống và đương đại hài hòa. Các hình ảnh, hoa văn, âm nhạc, điệu múa trong show diễn phản ánh nét đẹp văn hóa Bắc Bộ, trở thành biểu tượng đại diện cho thương hiệu văn hóa của thành phố, là sản phẩm văn hóa độc đáo, quảng bá giá trị di sản của người Việt, nâng cao nhận thức cộng đồng và du khách về tinh thần và bản sắc văn hóa địa phương”, TS. Đinh Thị Kim Thương phân tích.
Các chủ thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị sáng tạo
Để xây dựng hệ sinh thái sáng tạo văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, kích thích du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế di sản, các chuyên gia cho rằng giải pháp then chốt là hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp và nghệ nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị sáng tạo.

TS. Đinh Thị Kim Thương cho rằng, xây dựng các chương trình, lễ hội và sự kiện nghệ thuật thường niên tại Hà Nội đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thương hiệu và thúc đẩy các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Những hoạt động này không chỉ là dịp để giới thiệu, tôn vinh các giá trị truyền thống, mà còn góp phần tạo ra không khí sôi động, gắn kết doanh nghiệp, cộng đồng và thu hút khách du lịch. Các lễ hội như Festival Thu Hà Nội, lễ hội truyền thống, hội chợ nghề truyền thống hay các chương trình nghệ thuật dân gian định kỳ đều giúp khẳng định vị thế của Hà Nội là trung tâm văn hóa đặc sắc, giàu bản sắc.
"Đây còn là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện tài năng, quảng bá các sản phẩm thủ công, nghệ thuật truyền thống tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Qua đó, hình thành nên thương hiệu riêng biệt cho Thủ đô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa, du lịch, từ đó nâng cao vị thế của Hà Nội trong quá trình hội nhập quốc tế", TS. Đinh Thị Kim Thương nhận định.
Về hoàn thiện cơ chế, chính sách, TS. Bùi Thị Kim Chi, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị, Hà Nội cần nhanh chóng chính sách hóa những kiến nghị đúng đắn, khả thi của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp về hình thành cơ chế cần thiết cho việc khai thác các nguồn lực di sản cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Để bảo đảm sự đồng bộ, tránh chồng chéo trong phát huy nguồn lực, TS. Bùi Thị Kim Chi đề xuất, Hà Nội sớm thành lập cơ quan chuyên trách có đủ chức năng, thẩm quyền chỉ đạo việc phát triển công nghiệp văn hóa. “Cơ quan này sẽ chủ trì hình thành những đề án chuyên sâu ở từng lĩnh vực. Với một đầu mối quản lý, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô sẽ thuận tiện và toàn diện hơn”.
Ngoài ra, thành phố cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục di sản và nâng cao nhận thức cộng đồng. Các chương trình trải nghiệm di sản, giáo dục nghệ thuật tại trường học, các nền tảng số hóa di sản sẽ góp phần lan tỏa và kết nối cộng đồng với giá trị truyền thống. Cuối cùng, tăng cường hợp tác công - tư và kết nối quốc tế thông qua Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ mở rộng không gian phát triển cho công nghiệp văn hóa Hà Nội từ nguồn lực di sản.