Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đồng thời, bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ sỹ quan có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách trong Luật còn nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Quân đội Nhân dân.
Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17.1.2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội Nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 và những năm tiếp theo, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động, quyết tâm, triển khai điều chỉnh, sắp xếp các tổ chức, đơn vị, xây dựng Quân đội Nhân dân. Giai đoạn 2017 - 2021, Quân đội đã điều chỉnh 1.100 tổ chức, nhiều cơ quan, đơn vị được thành lập mới, sáp nhập, giải thể hoặc có những thay đổi lớn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ.
Theo đó quy định về quân hàm cấp tướng của chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong luật hiện hành và quy định về đơn vị thành lập mới đã không còn phù hợp. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết và phù hợp với tổ chức, biên chế mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về chức vụ của sỹ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sỹ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan; về thăng quân hàm đối với sỹ quan tại ngũ; thăng quân hàm, nâng lương sỹ quan trước thời hạn và chế độ, chính sách đối với sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Về tuổi phục vụ tại ngũ, Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau cho từng quân, binh chủng, dựa trên các yếu tố đặc thù về công tác, sức khỏe, yêu cầu nhiệm vụ và những lợi ích mà những chính sách này có thể mang lại cho lực lượng quân đội. Những căn cứ đề đưa ra đề xuất này là sự khác biệt về đặc thù công tác giữa các quân, binh chủng; bảo đảm hiệu quả và khả năng sẵn sàng chiến đấu; bảo đảm tính công bằng và động lực phấn đấu…
Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) thì đề nghị cơ quan soạn thảo tăng độ tuổi phục vụ tại ngũ của sỹ quan, qua đó, vừa giữ gìn đội ngũ sỹ quan, vừa phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của Quân đội, vừa thực hiện chính sách cán bộ; đồng thời thống nhất với các quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Các đại biểu Quốc hội: Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa), Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cũng tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi luật.