Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra

- Thứ Hai, 13/07/2020, 06:29 - Chia sẻ
Trong những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ đời sống xã hội, làm ngưng trệ nhiều công việc. Tuy nhiên, nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ thành phố đến các huyện, xã, Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, các địa phương cần giữ vững tinh thần và quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.

Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Theo báo cáo của Sở NN - PTNT Hà Nội, do ảnh hưởng có dịch bệnh Covid-19, trong quý I.2020, tăng trưởng ngành nông nghiệp “âm”, nhưng đến hết quý II, giá trị tăng trưởng đã tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa xuân năm 2020 cao hơn năm 2019, ước đạt khoảng 60 - 61 tạ/ha; sản lượng thủy sản tăng; đàn gia súc, gia cầm tăng, trong đó đàn lợn đang đẩy mạnh tái đàn, hiện đã đạt khoảng 1,22 triệu con, bằng 97,5% so với cùng kỳ. Trong xây dựng NTM, đến nay, thành phố có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm. Ngoài ra, thành phố đã thẩm định thị xã Sơn Tây; các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín và Thanh Oai đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và các huyện đạt chuẩn NTM. Đối với xây dựng NTM cấp xã, Hà Nội hiện có 355/382 xã (chiếm 92,9%) đạt chuẩn NTM, 13 xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí. 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã huy động được 11.795,8 tỷ đồng cho xây dựng NTM.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song do một số dự án cấp nước sạch đang chậm tiến độ nên vấn đề nước sạch nông thôn ở Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn
Ảnh: Tường Vy

Tại Hội nghị sơ kết Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội 6 tháng đầu năm 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành trong những tháng cuối năm nhằm bảo đảm Chương trình 02 về đích đúng tiến độ: Sở Quy hoạch - Kiến trúc đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch NTM xong trong quý III.2020; Sở TN - MT tháo gỡ khó khăn cho 4.000 thửa đất chưa được cấp sổ đỏ sau dồn điền đổi thửa; Sở KH - ĐT và Sở Tài chính cấp kinh phí cho các xã đăng ký hoàn thành NTM năm 2020 và có hướng dẫn thủ tục cho các quận hỗ trợ huyện trong xây dựng NTM.

Theo đánh giá của các địa phương, kết quả đạt được 6 tháng đầu năm thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến từng huyện, xã. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và bài bản của lãnh đạo thành phố đã giúp Chương trình 02 được quan tâm sâu, các công việc được triển khai nhanh chóng, thuận lợi hơn. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương cho biết: Ngay từ đầu năm, lãnh đạo thành phố đã có rất nhiều cuộc làm việc với các huyện, trong đó tập trung nhất vào chương trình xây dựng NTM. Từ đó, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành đã nắm được tình hình thực tế, những khó khăn, vướng mắc các địa phương đang gặp phải để kịp thời động viên, chia sẻ và tháo gỡ. “Đối với Mỹ Đức, hiện chúng tôi đang nỗ lực để năm 2020 có thêm 3 xã về đích NTM. Riêng xã Đồng Tâm hiện đã có thông báo của thành phố về việc đầu tư một số công trình xây dựng cơ bản. Đây là động lực rất lớn để các địa phương thực hiện mục tiêu theo kế hoạch. Chúng tôi cũng mong thành phố tiếp tục quan tâm, có lộ trình đầu tư đối với 4 trường cấp 3 trên địa bàn huyện theo tiêu chí huyện NTM để Mỹ Đức có thể thực hiện tốt mục tiêu về đích huyện NTM trong năm 2023” - Bà Hương mong muốn.

Được biết, trong thời gian tới, HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét thông qua cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ di dời các hộ chăn nuôi trong khu dân cư ra khu tập trung. Bên cạnh đó, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, trong đó có nội dung cho phép các quận nội thành chủ động dành tài chính hỗ trợ các huyện khó khăn xây dựng NTM. Đây sẽ là những điều kiện rất thuận lợi, tạo động lực để một số huyện, thị xã phấn đấu về đích NTM trong năm 2020.

Trên cơ sở những điều kiện thuận lợi đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, các huyện, thị cần giữ vững tinh thần và quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 5 tháng, các địa phương cần tập trung phấn đấu để bảo đảm toàn thành phố có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất có thêm 5 huyện đạt chuẩn và thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Quan tâm vấn đề nước sạch nông thôn

Theo báo cáo của Sở NN - PTNT, tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh đạt 100%, trong đó 78% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy triên, trao đổi với một số lãnh đạo các huyện cho thấy, vấn đề nước sạch nông thôn vẫn là bài toán nan giải và cấp thiết hiện nay. Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng, trên địa bàn huyện có 11/23 xã, thị trấn chưa có nước sạch nên nhiều hộ dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào hoặc nước mưa. Đến nay, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch (từ Công ty Cổ phẩn Cấp nước Sơn Tây và các Trạm cấp nước tập trung) mới chỉ đạt 34,68%. Các huyện như: Ứng Hòa, Thạch Thất, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín… cũng gặp vấn đề tương tự.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN - PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Đến nay, tỷ lệ sử dụng nước sạch ở các huyện đạt bình quân 30 - 35%. Thực tế, mức kinh phí đầu tư cho các công trình nước sạch nông thôn rất cao nhưng người dân sử dụng thì lại ít. Nguyên nhân do nhiều hộ dân sử dụng 2 nguồn nước là nước sạch và nước hợp vệ sinh, nước sạch thì để ăn uống còn nước hợp vệ sinh để giặt giũ và các công việc khác, khiến cho công suất và hiệu quả khai thác các công trình rất thấp. Theo tìm hiểu của phóng viên, ở một số huyện mặc dù dự án nước sạch đã hoàn thành nhưng lại gặp khó khăn về vấn đề đấu nối nước cho các hộ dân, dẫn đến tình trạng “nơi cần thì không có, nơi có thì không cần”. Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố đã phê duyệt một số dự án cấp nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, có một số dự án đang chậm tiến độ và hiện các nhà đầu tư cũng đang “chuẩn bị” triển khai thi công công trình.

Cho rằng vấn đề nước sạch nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ngành, địa phương cần phối hợp rà soát chính xác về tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, rà soát hệ thống hạ tầng của một số khu vực không bảo đảm đáp ứng việc cấp, dẫn nước; những địa phương có hạ tầng bảo đảm nhưng không thực hiện cấp, dẫn nước cho người dân. Đồng thời, trong tháng 7, Sở Xây dựng có trách nhiệm làm việc với các chủ đầu tư, nếu không phù hợp thì tiến hành lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để sớm hoàn thiện các công trình cấp nước sạch, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân.

Đào Cảnh