Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – mọi mô hình Nhà nước pháp quyền tách rời bản chất này đều xa lạ và không thực tế

Pgs. Ts Lê Minh Thông
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
31/03/2013 08:59

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về cơ bản tiếp tục khẳng định và kế thừa mô hình tổng thể bộ máy nhà nước đã được xác định trong Hiến pháp 1992 hiện hành, theo đó bộ máy nhà nước bao gồm các thiết chế: Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương (bao gồm HĐND và UBND), đồng thời bổ sung thêm một số thiết chế mới là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

Căn cứ lý luận đặt nền tảng cho việc tiếp tục khẳng định và kế thừa mô hình tổng thể bộ máy nhà nước được quy định trong Hiến pháp 1992 và bổ sung một số thiết chế mới trong Dự thảo trước hết là quan điểm xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong điều kiện đặc thù của Việt Nam. Quan điểm này đã được khẳng định trong Hiến pháp hiện hành, nước ta chủ trương xây dựng một nhà nước pháp quyền vừa mang các đặc trưng phổ biến của nhà nước pháp quyền nói chung với tính chất vừa là một giá trị nhân loại vừa thể hiện các giá trị đặc thù của Việt Nam.

Trên phương diện lý luận, không thể có một nhà nước pháp quyền chung chung như một mô hình chung thống nhất cho mọi quốc gia, dân tộc. Mỗi một quốc gia, dân tộc, tùy thuộc vào các đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội và trình độ phát triển mà xây dựng cho mình một mô hình nhà nước pháp quyền thích hợp. Thực tiễn xây dựng và vận hành của nhà nước pháp quyền tại các nước cho thấy, mỗi một nước đều có cách thức xây dựng, tổ chức nhà nước pháp quyền theo cách riêng của mình. Các khảo sát kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền tại một số nước phát triển trên thế giới cho thấy ở các nước này, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền được tổ chức vừa thống nhất vừa đa dạng, phản ánh các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền, đồng thời các giá trị đặc thù của từng quốc gia. Thực tiễn này cũng đã được xác nhận tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác.

Đối với Việt Nam, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền đang đặt ra như một tất yếu lịch sử và tất yếu khách quan.

Tính tất yếu lịch sử của nhà nước pháp quyền bắt nguồn từ chính lịch sử xây dựng và phát triển của nhà nước ta. Ngay từ khi thành lập, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước ta đã và luôn là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp. Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật và luôn vận hành trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các đạo luật về chính quyền địa phương được xây dựng trên cơ sở của Hiến pháp. Mỗi lần Hiến pháp được sửa đổi là những bước củng cố pháp lý cho tổ chức và hoạt động của bản thân các cơ quan nhà nước. Vì vậy quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một quá trình lịch sử được bắt đầu ngay từ Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm 1946. Quá trình này đã trải qua hơn nửa thế kỷ với nhiều giai đoạn phát triển đặc thù. Ngày nay quá trình này đang được tiếp tục ở một tầm cao phát triển mới với nhiều đòi hỏi và nhu cầu cải cách mới.

Tính tất yếu khách quan của nhà nước pháp quyền xuất phát từ định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội mà mục tiêu cơ bản là xây dựng một chế độ: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Để đạt được một chế độ xã hội có tính mục tiêu như vậy, công cụ, phương tiện cơ bản chỉ có thể là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính tất yếu khách quan còn xuất phát từ đặc điểm của thời đại với xu thế toàn cầu hóa. Nhu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhà nước, cải cách pháp luật, bảo đảm cho nhà nước không ngừng vững mạnh, có hiệu lực để giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dân chủ, củng cố độc lập, tự chủ và hội nhập vững chắc vào đời sống quốc tế.

Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam là một nhà nước vừa phải thể hiện được các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền đã được xác định trong lý luận và thực tiễn của một chế độ dân chủ hiện đại, vừa phải khẳng định được bản sắc, đặc điểm của riêng mình. Sự khác nhau cơ bản giữa nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền XHCN nói chung, trong đó có nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có thể khái quát trên những nét chính sau:

Thứ nhất, cơ sở kinh tế của nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam là một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tính định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường không phủ nhận các quy luật khách quan của thị trường, mà là cơ sở để xác định sự khác nhau giữa kinh tế thị trường trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Do vậy, đặc tính của nền kinh tế thị trường XHCN tạo ra sự khác nhau giữa nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền XHCN, đồng thời tạo ra nét đặc trưng của nhà nước pháp quyền XHCN.

Thứ hai, cơ sở chính trị của nhà nước pháp quyền XHCN là một chế độ dân chủ nhất nguyên. Chế độ dân chủ nhất nguyên là điều kiện cơ bản để tạo ra một đời sống dân chủ có tính thống nhất cao, một hệ thống chính trị thống nhất và là một đòi hỏi có tính nội tại của chế độ nhà nước và chế độ xã hội trong các điều kiện xây dựng CNXH. Do vậy, sự nhất nguyên chính trị phải luôn là một thuộc tính của nhà nước XHCN - một nhà nước đòi hỏi tính thống nhất, tính tổ chức cao trong tổ chức và hoạt động của mọi cấu trúc nhà nước để có thể đạt được các mục tiêu của CNXH. Tính nhất nguyên chính trị được thể hiện trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo của một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. Bản chất của một nền dân chủ không lệ thuộc vào chế độ đa đảng hay chế độ một đảng mà lệ thuộc và chỗ Đảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của ai, sử dụng quyền lực nhà nước vào những mục đích gì trên thực tế. Vì vậy, điều kiện để xây dựng nhà nước pháp quyền không thể là chế độ đa đảng hay chế độ một đảng và không thể xem là căn cứ để đánh giá tính chất và trình độ của một nền dân chủ. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản - Đảng duy nhất cầm quyền đối với đời sống xã hội và đời sống nhà nước không những không trái (không mâu thuẫn) với bản chất nhà nước pháp quyền nói chung mà còn là điều kiện có ý nghĩa tiên quyết đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở nước ta. Trong ý nghĩa ấy, nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được khái quát là một trong những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN.

Thứ ba, cơ sở xã hội của nhà nước pháp quyền XHCN là khối đại đoàn kết toàn dân. Với khối đại đoàn kết toàn dân, nhà nước pháp quyền có được cơ sở xã hội rộng lớn và khả năng to lớn trong việc tập hợp, tổ chức các tầng lớp nhân dân trong việc thực hành và phát huy dân chủ. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tuy không loại bỏ được sự phân tầng xã hội theo hướng phân hóa giàu, nghèo nhưng có khả năng xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Những mâu thuẫn xã hội phát sinh trong các điều kiện kinh tế thị trường do được sự điều tiết thông qua pháp luật, chính sách và các công cụ khác của nhà nước nên ít có nguy cơ trở thành các mâu thuẫn đối kháng và tạo ra các xung đột có tính chất chia rẽ xã hội. Đây là một trong những điều kiện để bảo đảm ổn định chính trị, đoàn kết các lực lượng xã hội vì các mục tiêu chung của sự phát triển.

Tính nhất nguyên chính trị và sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất cầm quyền tạo ra khả năng đồng thuận xã hội, tăng cường khả năng hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các giai tầng, các cộng đồng dân cư và các dân tộc. Nhờ vậy nhà nước pháp quyền XHCN có được sự ủng hộ rộng rãi từ phía xã hội, có được nguồn sức mạnh từ sự đoàn kết toàn dân, phát huy được sức sáng tạo của các tầng lớp dân cư trong việc thực hành và phát huy dân chủ.

Thứ tư, cơ sở tư tưởng của nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Với cơ sở tư tưởng này, nhà nước pháp quyền XHCN luôn luôn có được định hướng chính trị nhất quán và ổn định, bảo đảm cho các hoạt động nhà nước và xã hội giữ vững được định hướng XHCN trong quá trình phát triển đất nước.

Như vậy, mô hình nhà nước pháp quyền XHCN mà biểu hiện tập trung của nó là mô hình tổ chức bộ máy nhà nước được xác định trong Hiến pháp 1992 và tiếp tục khẳng định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tiếp thu các giá trị phổ biến của chế độ pháp quyền dân chủ được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, vừa thể hiện được các giá trị đặc thù của nền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Đó là một mô hình Nhà nước phù hợp với đặc điểm của quá trình phát triển của Việt Nam, một mô hình cần thiết để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay và các giai đoạn tiếp theo; đồng thời, tiếp thu các giá trị phổ biến của Nhà nước pháp quyền trong xây dựng mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền XHCN một cách sáng tạo. Cần cảnh giác với quan điểm về một nhà nước pháp quyền chung chung tách rời các điều kiện lịch sử cụ thể của quốc gia dân tộc. Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi ý kiến đề xuất một mô hình Nhà nước pháp quyền tách rời bản chất ấy đều xa lạ và không thực tế đối với Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – mọi mô hình Nhà nước pháp quyền tách rời bản chất này đều xa lạ và không thực tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO