Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Quốc hội phải thực sự chuyên nghiệp

- Thứ Hai, 16/09/2013, 08:35 - Chia sẻ
Theo NGUYÊN ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, ỦY VIÊN UBTVQH, CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI VŨ MÃO, để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì QH - cơ quan có quyền lập pháp cao nhất phải thực sự chuyên nghiệp. Song, thực tế vừa qua cho thấy, trên một số phương diện, hoạt động của QH, các Ủy ban của QH vừa qua vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống cũng như quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Ông nhấn mạnh, muốn có một QH thực sự chuyên nghiệp thì cần phải đổi mới căn bản cả về tổ chức, hoạt động và bảo đảm đầy đủ các điều kiện hoạt động của QH, các cơ quan của QH, các ĐBQH.

- Trong cuộc trao đổi trước, nguyên Chủ nhiệm đã đề cập đến những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào của QH ta. Dẫu vậy, những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức hoạt động của QH cũng đã làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH cũng như vai trò, vị thế của QH, thưa nguyên Chủ nhiệm?

- Theo quy định của Luật Tổ chức và hoạt động của QH, QH là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực nhà nước tối cao với 3 chức năng cơ bản là: lập hiến và lập pháp; giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Thực tế thời gian qua, việc thực hiện cả 3 chức năng này của QH đã có những bước tiến đáng kể, mà như tôi đã nói, đó là những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào.

Dẫu vậy, là người hoạt động tại QH khá nhiều năm, tôi cho rằng, trên nhiều phương diện, QH chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, cũng như quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Có thể, sẽ có người không đồng tình với nhận định của tôi, cho rằng tôi khắt khe quá. Nhưng tôi nghĩ, cần hết sức thẳng thắn khi nhìn nhận, đánh giá những mặt được và chưa được trong tổ chức, hoạt động của QH thì chúng ta mới có thể quyết liệt khắc phục và mạnh mẽ tiến lên được. Vừa qua, QH đã áp dụng rất nhiều cải tiến, đổi mới về phương thức hoạt động, ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, trong đó, có những đổi mới khá táo bạo và được nhân dân ghi nhận. Nhưng về cơ bản, với phương thức tổ chức và hoạt động như hiện nay, tỷ lệ ĐBQH chuyên trách vẫn còn khá ít ỏi so với nghị viện các nước, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của QH, các cơ quan của QH và các ĐBQH cũng còn nhiều hạn chế cả về nhân lực và vật lực... thì quả thực, QH khó có thể thực hiện được trọn vẹn chức năng, thẩm quyền của mình.

- Ví dụ, chức năng rất quan trọng của QH là lập pháp, theo đánh giá của nguyên Chủ nhiệm, QH đã thực hiện được ở mức độ nào?

- Về cơ bản, chức năng lập pháp vừa qua đã được QH thực hiện khá tốt. Số lượng và chất lượng các dự án luật được xem xét, thông qua tại mỗi kỳ họp của QH đã tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, một tồn tại trong công tác lập pháp là, luật được QH thông qua rồi nhưng vẫn phải chờ các nghị định của Chính phủ, các thông tư của các bộ, ngành thì mới thi hành được. Ở đây có hai vấn đề bức xúc: Một là, các nghị định và thông tư hướng dẫn ban hành rất chậm, không đúng thời hạn. Hai là, các thông tư của các bộ, liên bộ có khá nhiều nội dung không phù hợp với luật, mang tính cục bộ, thậm chí phục vụ cho lợi ích nhóm.

Tôi theo dõi cả nhiệm kỳ QH Khóa XII và hiện nay thì hầu như các văn bản hướng dẫn thi hành luật đều chậm tiến độ và chất lượng còn nhiều hạn chế, có khi còn sai với tinh thần của luật gốc. Các cơ quan của QH, QH cũng chưa giám sát được vấn đề này. Vì thế, luật vẫn chậm đi vào cuộc sống. Và điều đáng nói nữa là, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần pháp luật là tối thượng nhưng hiện nay, cả cơ quan nhà nước và người dân, các tổ chức, cá nhân vẫn quen với việc áp dụng các văn bản dưới luật hơn là luật, thậm chí, không ít trường hợp, văn bản dưới luật có giá trị áp dụng cao hơn cả luật. Điều này cũng có nghĩa là QH chưa thực hiện tốt chức năng lập pháp của mình.

Một vấn đề nữa là, các dự án luật hiện nay vẫn chủ yếu là do các cơ quan của Chính phủ soạn thảo. Tức là anh vừa điều hành, quản lý nhà nước lại vừa khởi xướng, soạn thảo các quy định pháp luật cho lĩnh vực mà mình quản lý. Thế thì chuyện cơ quan soạn thảo có những quy định nghiêng về tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bộ, ngành mình, đẩy khó khăn về cho người dân, thậm chí là các bộ, ngành khác là bình thường, tránh thế nào được hết? Mà cũng chưa chắc đã là do họ cố tình cài cắm lợi ích cục bộ cho bộ, ngành mình đâu. Có thể là từ góc độ quản lý của mình, họ nhìn nhận như vậy, đánh giá như vậy và đưa ra các quy định mà chưa bao quát được hết tác động của điều luật đó đối với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh.

Chỗ này, tôi thấy các bộ, ngành được giao soạn thảo luật cũng tâm tư lắm! Bây giờ, các cơ quan thẩm tra của QH đã tham gia tích cực hơn với các cơ quan soạn thảo ngay từ đầu quá trình chuẩn bị xây dựng các dự án luật, rồi Chính phủ, UBTVQH quan tâm sát sao hơn nên chất lượng các dự án luật đã được nâng lên nhiều, tính lợi ích cục bộ cũng được hạn chế nhiều. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu vẫn duy trì tình trạng đại đa số các dự án luật là do cơ quan của Chính phủ soạn thảo thì tiến độ, chất lượng lập pháp của QH khó có thể đổi mới một cách căn bản được.

Hiến pháp và luật quy định các đối tượng có quyền trình dự án luật, pháp lệnh khá rộng. Ví dụ, quy định về việc các ĐBQH có quyền trình sáng kiến pháp luật, nhưng chúng ta cũng chưa tạo điều kiện để các đại biểu thực hiện được quyền này. Các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng... gần đây cũng tham gia nhiều hơn vào hoạt động lập pháp thông qua việc đóng góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhưng vẫn rất hiếm có cơ quan, tổ chức nào tự mình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh để trình QH, UBTVQH. Theo tôi, cần phải có cơ chế cụ thể để tạo điều kiện và khuyến khích các ĐBQH, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng nhân dân... trình các dự án luật, pháp lệnh.

- Hiện nay, UBTVQH đang tiến hành tổng kết việc thực hiện Luật Tổ chức và hoạt động của QH để tiến tới sửa đổi Luật này. Nếu lấy tiêu chí chuyên nghiệp và hiệu quả làm thước đo tổ chức, hoạt động của QH, theo nguyên Chủ nhiệm, cần tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung nào để chúng ta có một QH thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả?

- Muốn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì một trong những yêu cầu quan trọng là phải có một QH thật sự chuyên nghiệp và hiệu quả. Muốn vậy thì trước hết, như tôi đã nói là Đảng phải đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo đối với QH. Tiếp đó là phải kiện toàn tổ chức bộ máy của QH và các cơ quan tham mưu, phục vụ cho QH. Các cụ nhà ta có câu có thực mới vực được đạo - chúng ta đòi hỏi QH, các cơ quan của QH và các ĐBQH phải có vai trò thế này, phải làm việc thế kia nhưng lại không bảo đảm đầy đủ các điều kiện hoạt động thì việc đổi mới, nâng cao chất lượng hay bàn đến tính chuyên nghiệp của QH, các cơ quan của QH, các ĐBQH thì cũng chưa hợp lý đâu.

- Cụ thể với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH - được xem là các công xưởng làm việc của QH, theo nguyên Chủ nhiệm, cần đổi mới như thế nào?

- Khối lượng công việc của các cơ quan của QH ngày càng nhiều, từ thẩm tra các tờ trình, dự án luật, pháp lệnh đến giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của QH, chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực phụ trách. Hiện nay, một Ủy ban của QH cũng đang phải phụ trách quá nhiều lĩnh vực. Ví dụ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ hay Ủy ban Kinh tế, lĩnh vực phụ trách liên quan đến 7 - 8 bộ, ngành. Trong khi đó, Thường trực Ủy ban hiện nay cũng chỉ có từ 5 đến 7 người, còn đa phần các thành viên của Ủy ban đều hoạt động kiêm nhiệm. Như vậy thì làm sao các Ủy ban có thể làm hết được?

Không phải các cơ quan của QH thiếu trách nhiệm mà là không đủ lực lượng để làm. Tôi ví dụ vụ việc của Vinashin, Vinalines, chẳng hạn. Nói đúng ra, không chỉ là trách nhiệåm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan mà còn phải quy trách nhiệm cho cả Ủy ban Kinh tế và Ngân sách trước đây và Ủy ban Kinh tế hiện nay chứ. Để xảy ra vụ việc đau lòng như vậy tức là anh đã giám sát kém, tức là anh đã không làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhưng thực tế, chúng ta có phê bình được Ủy ban Kinh tế không? Thực tế là, công việc của Ủy ban quá tải như vậy, làm sao mà giám sát xuể?

Vì thế, cần phải đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH. Sự đổi mới đó thể hiện trên năm lĩnh vực:

Một là về tổ chức: cần nghiên cứu chia tách các Ủy ban hiện nay thành nhiều Ủy ban theo hướng mỗi Ủy ban chỉ phụ trách vài ba lĩnh vực liên quan đến một vài bộ. Kinh nghiệm các nước, để chuyên sâu, mỗi Ủy ban của QH chỉ phụ trách hoạt động của một Bộ. Như thế họ mới có điều kiện để giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách, pháp luật hay thẩm tra kỹ càng các dự án luật, pháp lệnh được. Trước đây, sau nhiều năm trao đổi, cân nhắc, đến năm 2007, QH mới tách được Ủy ban Kinh tế và Ngân sách thành hai Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách; tách Ủy  ban Pháp luật thành hai Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp. Thực tiễn chứng minh rằng, việc tách 2 Ủy ban này thành 4 Ủy ban là đúng đắn. Đến nay, 4 Ủy  ban này đều cho biết vẫn làm không hết việc. Như vậy, việc tách các Ủy ban theo hướng chuyên môn sâu chính là nền tảng cơ bản làm cho các Ủy ban của QH ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả.

Hai là về đại biểu chuyên trách ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy  ban, tôi đồng tình với việc tăng thêm đại biểu chuyên trách ở các Ủy ban nhưng với một quan niệm mới. Trên Trung ương, Thường trực các Ủy ban cần tinh gọn, chỉ có Chủ nhiệm Ủy ban và các Phó chủ nhiệm Ủy ban, không nên có chức danh Ủy viên thường trực nữa vì nói thật, Ủy viên thường trực cũng khó làm việc lắm, tâm tư lắm, chế độ chính sách cũng khó mà danh nghĩa để làm việc cũng khó. Cần tăng cường thêm ĐBQH chuyên trách ở các địa phương. Đại biểu này vừa là thành viên của Ủy ban của QH vừa sinh hoạt tại địa phương, như thế sẽ có điều kiện nắm bắt các vấn đề của thực tiễn đời sống nhanh hơn, kịp thời hơn và cũng chuyển tải được thực tiễn cuộc sống đến Ủy ban của mình nhanh hơn. Đây là vấn đề mới, tôi sẽ đi sâu phân tích ở một chuyên đề khác.

Ba là về phương thức hoạt động: phương thức hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đã có những đổi mới nhưng theo tôi là chưa đủ. Nội dung này cần được nghiên cứu để sửa đổi bổ sung vào Luật Tổ chức QH theo hướng tạo sự chuyên nghiệp nhiều hơn nữa.

Bốn là về bộ máy giúp việc cho các Ủy ban cần được tăng cường. Bộ máy này bao gồm cả VPQH và các Vụ giúp việc trực tiếp cho các Ủy ban hiện nay.

Năm là về khai thác chất xám của các chuyên gia và xã hội hóa trong hoạt động của các Ủy ban. Cần có cơ chế và chính sách để sử dụng đội ngũ chuyên gia bao gồm đội ngũ trí thức và các chính khách từng trải. 

- Xin trân trọng cám ơn nguyên Chủ nhiệm!

B. Long thực hiện