Vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
Là một trong những trọng điểm du lịch biển đảo của tỉnh, từ đầu năm đến nay, cùng với việc đưa vào hoạt động hàng loạt sản phẩm, trải nghiệm du lịch mới hấp dẫn, công tác tăng cường bảo đảm môi trường du lịch văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện được huyện Vân Đồn hết sức quan tâm. Các cơ quan chức năng của huyện đã thành lập nhiều đoàn liên ngành, tổ chức các đợt kiểm tra; trong đó, chú trọng kiểm tra đột xuất, giám sát các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ phục vụ du khách…
Tại huyện đảo Cô Tô, địa phương đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể; duy trì đường dây nóng, thường trực tiếp nhận phản ánh của du khách 24/24h. Các cán bộ cũng quan tâm tiếp nhận, nắm bắt thông tin, phản ánh của du khách, giám sát hoạt động, chất lượng dịch vụ du lịch, từ đó vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm quyền lợi du khách…
Trọng điểm, sôi động trong các hoạt động du lịch hơn cả là TP. Hạ Long. Vì vậy, vấn đề bảo đảm môi trường du lịch cũng đòi hỏi làm kiên quyết hơn. Thời gian gần đây, thành phố đã phối hợp, xử lý kịp thời nhiều vụ việc phát sinh theo phản ánh của người dân, du khách và trên mạng xã hội. Cùng với đó, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các xe taxi dù, xe điện hoạt động chèo kéo, nâng ép giá; xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Mục tiêu hướng đến là quyết tâm xây dựng môi trường du lịch Hạ Long văn minh, thân thiện, an toàn, mến khách.
Lành mạnh hóa môi trường kinh doanh du lịch
Cùng với sự vào cuộc của các địa phương, đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch. Trong đó, giao các sở, ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch.
Sở Du lịch được giao chủ trì, phối hợp triển khai các biện pháp quản lý đối với môi trường kinh doanh du lịch trên toàn tỉnh, đặc biệt là TP. Hạ Long và các địa phương trọng điểm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không bảo đảm điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; ngăn chặn tình trạng kinh doanh du lịch, lữ hành trái phép, lừa đảo, chèo kéo, nài ép khách du lịch vào dịp cao điểm và các hành vi vi phạm khác…
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường quản lý về đăng ký giá, công bố, niêm yết giá, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… để xử lý các hành vi sai phạm. Công an tỉnh tăng cường quản lý về ANTT, PCCC, ATGT; phối hợp trong kiểm tra, điều tra, xử lý các vi phạm tại các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; sẵn sàng phối hợp để giải quyết nhanh chóng các kiến nghị, phản ánh của du khách.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tăng cường quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thế giới Vịnh Hạ Long; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan tới hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Chủ trì kiểm tra, giám sát, xử lý dứt điểm tình trạng đeo bám bán hàng rong trên vịnh (nếu có).
Hiệp hội Du lịch tỉnh phát huy vai trò của tổ chức nghề nghiệp trong khâu tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch và uy tín, hình ảnh của du lịch Quảng Ninh. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức hoạt động du lịch ký cam kết thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách hiện hành, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Ninh, nhất là việc công khai, minh bạch về chất lượng, giá cả dịch vụ, hàng hóa nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn…