Xây dựng mô hình, phá bỏ rào cản

Hồng Hà 01/04/2018 07:43

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới thành công với du lịch nông nghiệp thì tại Việt Nam, mô hình này mới đang manh nha. Câu hỏi đặt ra cho các đơn vị làm du lịch là làm thế nào để tận dụng được tiềm năng, xây dựng các mô hình hiệu quả với loại hình này.

Manh mún, thiếu chuyên nghiệp

Tại Hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” chiều 30.3, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, Việt Nam có đủ lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp thành ngành kinh tế bền vững song cách làm còn thiếu chuyên nghiệp, cần phải có quy hoạch phù hợp, lâu dài, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp.

Một trong các sản phẩm phổ biến hiện nay đang phát triển mạnh là du lịch làng nghề truyền thống. Đây trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện hoạt động du lịch làng nghề cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đưa ví dụ, một số địa phương có quy hoạch làng nghề với du lịch nhưng thiếu thực tiễn và không được thực hiện nghiêm chỉnh. Việc quản lý làng nghề còn chồng chéo, không thống nhất, dẫn đến không có người chịu trách nhiệm cụ thể.

 Các tour du lịch làng nghề hiện nay nếu có quy hoạch cũng chưa được khai thác triệt để cả nội dung và hình thức, mới chỉ dừng ở tham quan và tới xem làng. Khách du lịch chưa chọn đến thăm làng nghề như một tour thực sự. “Lý do là những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng, chức năng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch vẫn chưa được khai thác một cách thực sự hiệu quả”, ông Dần cho biết.

Rõ ràng, việc khai thác các hoạt động nông nghiệp, dịch vụ có liên quan đến nông nghiệp như là một sản phẩm du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đại diện Vidotour Hà Nội dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp làm du lịch chưa chú trọng và quan tâm đúng mức việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, sản phẩm còn đơn điệu, tính sáng tạo chưa cao. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch Ngôi sao Ninh Bình Trần Ngọc Tiến thì cho rằng, nguồn nhân lực chính trong phát triển du lịch chủ yếu dựa vào sự tham gia của người dân địa phương. Song rào cản lớn nhất là những hạn chế về ngoại ngữ của người dân khiến cho chất lượng phục vụ du khách không được bảo đảm. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn đang là vấn đề lớn gây cản trở việc phát triển du lịch nông nghiệp.

Những định hướng và bước đi mới

Trước những khó khăn gặp phải trong phát triển du lịch nông nghiệp giai đoạn tới, ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch cho hay, Việt Nam cần có những định hướng và bước đi mới, trong đó cần thiết phải xây dựng mô hình mẫu phát triển du lịch nông nghiệp, sau đó nhân rộng ra các địa phương. Theo TS. Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Công ty TNHN ATC Việt Nam, chủ Trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội), giống như ngành nông nghiệp, du lịch nông nghiệp phải có những mô hình. “Nếu không làm mô hình, chúng ta không thể biết được sản phẩm nông nghiệp xuất phát từ đâu, đi thế nào và thành phẩm ra sao, cho nên chúng tôi đã quyết định làm du lịch nông nghiệp trên vùng đất Ba Vì”, TS. Ngô Kiều Oanh nói.

Nghiên cứu thực tế cho thấy, vùng đất Ba Vì có rất nhiều lợi thế, đặc biệt là có nhiều nơi người dân đã làm nông nghiệp truyền thống rất lâu đời như làng chè Ba Trại, làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, làng thảo dược người Dao Ba Vì, các trang trại nông hộ nuôi bò sữa Vân Hòa Ba Vì… Cùng với điều kiện thiên nhiên tươi đẹp, các làng xóm thôn quê có diện tích rộng rãi thuận tiện cho việc tổ chức các hình thức du lịch nông nghiệp, Công ty ATC đã đầu tư vào các làng nghề truyền thống trên nhằm lưu giữ nét văn hóa truyền thống lâu đời của địa phương.

TS. Ngô Kiều Oanh cho rằng: “Yếu tố hàng đầu của một sản phẩm du lịch là sức hấp dẫn du khách. Đối với du lịch nông nghiệp, lịch sử và văn hóa hình thành sản vật giữ một vai trò chính yếu. Mỗi sản vật đều có lịch sử về nguồn gốc, lịch sử văn hóa canh tác, nuôi trồng, sơ chế, chế biến và quá trình thương mại hóa. Do đó, cần chú trọng đến việc lưu giữ và phát triển văn hóa truyền thống của các địa phương”.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty Du lịch Ngôi sao Ninh Bình Trần Ngọc Tiến khẳng định: “Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch mang đến sự trải nghiệm cho du khách về các phương thức sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân địa phương có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư tại các khu vực nông thôn”. Vì vậy, ngay từ khi thành lập Công ty Du lịch Ngôi Sao Ninh Bình đã định hướng sản phẩm cốt lõi là các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Công ty đã xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của mình với hai sản phẩm đó là tour “Du khảo đồng quê” và các hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”. Đây là các tour khám phá dưới loại hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng với những hoạt động thường nhật mà du khách được trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân địa phương như bắt cua, đi cấy, thu hoạch rau quả...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xây dựng mô hình, phá bỏ rào cản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO