Trò chuyện đầu tuần

Xây dựng mô hình chính quyền đô thị hợp lý và hiệu quả

- Thứ Hai, 28/10/2019, 08:11 - Chia sẻ
Trong tuần này, dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội sẽ được trình QH cho ý kiến. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật BÙI VĂN XUYỀN, việc thí điểm lần này về bản chất khác với thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trước đây. Từ bước đi đầu tiên này sẽ tạo cơ sở hoàn thiện được quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với khu vực đô thị theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Ảnh: Quang Khánh

Đích đến cuối cùng của mô hình thí điểm về chính quyền đô thị này là phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn đô thị. Đây là những yêu cầu phải thực hiện cho được trong thời gian tới. Thành phố Hà Nội cần nhìn vào mục tiêu này để xác định các việc cần làm, hạng mục cần đầu tư, tạo điều kiện hoạt động cho mô hình chính quyền đô thị mới hoạt động hiệu quả. Những công việc phường thực hiện trong thời gian tới sẽ phải khác đi khi triển khai theo mô hình chính quyền đô thị hai cấp. Nếu nhân sự, nhiệm vụ, chức năng, cung cách làm việc không thay đổi có lẽ sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng đặt ra.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền

Thí điểm lần này có bản chất khác

- Trong tuần này, dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội sẽ được trình ra QH. Ông có suy nghĩ gì khi vấn đề không tổ chức HĐND phường tiếp tục được đặt ra dù có quy mô thí điểm thu gọn hơn, chỉ đối với thành phố Hà Nội?

- Nhiệm kỳ Khóa XII, chúng ta đã triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước theo Nghị quyết số 26/2008/QH12. Nhưng với việc QH ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 việc thí điểm này đã được tuyên bố chấm dứt thực hiện, giữ nguyên cơ cấu ở đâu có chính quyền, ở đó tổ chức HĐND và UBND.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội được trình ra QH tại Kỳ họp này về bản chất khác với quá trình thí điểm trước đây. Về bản chất là Hà Nội triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị hai cấp (thành phố và quận), không còn cấp phường. Theo Tờ trình của Chính phủ, UBND phường khi thực hiện thí điểm là cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại địa bàn phường, hay nói cách khác ở đây không còn là một cấp chính quyền hoàn chỉnh theo quy định hiện hành.

- Theo ông, việc thành phố Hà Nội đề xuất thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị hai cấp có phù hợp đòi hỏi thực tế không?

- Ở mỗi phường trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có mức độ đô thị hóa rất cao. Ranh giới giữa các phường mong manh, không giống như ranh giới giữa các xã khu vực nông thôn. Quản lý hành chính, đô thị ở các phường này cũng khác với ở khu vực nông thôn. Do vậy, nếu mô hình chính quyền đô thị được tổ chức giống với mô hình chính quyền nông thôn rõ ràng là không hợp lý.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu như chính quyền đô thị phân cấp cho cấp phường ít việc, phần lớn công việc được chuyển từ thành phố xuống quận, huyện. Tại các phường chủ yếu quản lý hành chính, còn thực hiện nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng… như một cấp chính quyền đều hạn chế. Do vậy, nếu tổ chức cấp chính quyền hoàn thiện ở phường sẽ cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kinh phí, biên chế nên không phù hợp với tình hình hiện nay. Đề án thí điểm tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội đã được Chính phủ xem xét, sau đó mới xây dựng Tờ trình về dự thảo Nghị quyết trình QH quyết định để tạo điều kiện cho triển khai thực hiện Đề án của thành phố.

Phù hợp với Hiến pháp

- Đã có những e ngại về sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị quyết này với quy định của Hiến pháp năm 2013. Ông có thấy đây là vấn đề cần chú ý của dự thảo Nghị quyết này?

- Mô hình chính quyền đô thị được thành phố Hà Nội đề xuất thực hiện thí điểm hoàn toàn phù hợp với quy định tại Hiến pháp năm 2013. Thực tế, Hiến pháp năm 2013 đã có quy định mở khi đưa ra hai khái niệm “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền”. Cấp chính quyền địa phương được quy định rõ gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Nhưng khái niệm chính quyền địa phương chưa được làm rõ. Nếu tổ chức bộ máy, phân giao nhiệm vụ, chức năng của phường không giống với một cấp chính quyền hoàn chỉnh có nghĩa đã phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Nhưng vấn đề đặt ra với dự thảo Nghị quyết này là dù UBND phường thí điểm thực hiện được xác định như cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại địa bàn, song tên gọi vẫn được đề xuất giữ nguyên. Tên gọi của cơ quan này giống với những nơi không thực hiện thí điểm, trong khi mô hình hoạt động đã thay đổi. Các cơ quan chức năng lý giải, tên gọi UBND phường có ý nghĩa về mặt văn hóa, gắn bó đã lâu với người dân, nay bỏ đi dễ gây sốc. Ngoài ra, việc thay đổi tên gọi cũng sẽ khiến người dân, cơ quan, tổ chức phải thay đổi giấy tờ hành chính, gây tốn kém. Song, những lý do này chưa thực sự hợp lý, cần nghiên cứu thay đổi tên gọi phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ.

- Những vấn đề nào khác cần lưu ý khi tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị hai cấp tại thành phố Hà Nội, thưa ông?

- Có thể thấy, mô hình cấp phường chưa nhận được sự thống nhất cao, còn đặt ra nhiều vấn đề. Trước hết, dù tên gọi UBND phường xin được duy trì, nhưng về bản chất chỉ giữ vai trò như cơ quan hành chính của quận đặt ở địa bàn đó, cán bộ lãnh đạo do UBND quận bổ nhiệm, HĐND quận phê chuẩn. Cán bộ, công chức phường do cấp quận, huyện tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt. Song, theo quy định hiện hành, họ không thuộc hệ thống cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.

Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chính phủ vẫn đề xuất, cán bộ cấp xã không thể liên thông, chỉ khi cấp huyện tuyển dụng mới được xét tuyển lên, nhưng phải tuân thủ theo một số điều kiện. Cán bộ, công chức ở những phường thực hiện thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc hệ thống cán bộ, công chức nào là vấn đề cần được giải trình rõ, đủ sức thuyết phục hơn.

Ngoài ra, nếu không coi đây là một cấp chính quyền, chỉ giữ vai trò chính quyền địa phương, mô hình tổ chức được Chính phủ đưa ra vẫn còn một số điểm chưa rõ. Hệ thống chính trị ở đây tổ chức như thế nào? Mối quan hệ cấp trên cấp dưới của các tổ chức đảng, đoàn thể sẽ ra sao? Việc tổ chức các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị phường thực hiện thí điểm chắc chắn sẽ khác so với khi còn là một cấp chính quyền hoàn chỉnh. Chưa kể, nếu mô hình chính quyền địa phương không thay đổi, chỉ dừng lại ở việc thí điểm bỏ HĐND phường như đã từng thực hiện trong nhiệm kỳ Khóa XII thì không đúng với mục tiêu đề ra.

- Dự thảo Nghị quyết này chỉ có phạm vi điều chỉnh hẹp, song có lẽ ý nghĩa không hề nhỏ, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, dự thảo Nghị quyết này về bản chất là thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, phù hợp với đòi hỏi quản lý Nhà nước với khu vực này. Hiến pháp năm 2013 đã có quy định mở, nhưng vì một số lý do khác nhau mà mô hình chính quyền phù hợp cho khu vực đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế  đặc biệt chưa được cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật về tổ chức hiện hành. Dự thảo Nghị quyết này có thể là bước đi đầu tiên để sau đó sẽ hoàn thiện được quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với từng khu vực, thực hiện đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. Tất nhiên, khi triển khai thực hiện phải bảo đảm mô hình này sẽ làm người dân thấy cơ quan hành chính phục vụ họ tốt hơn, đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc chấp hành pháp luật từ cán bộ đến người dân trên địa bàn. Nếu bê trễ mọi việc, người dân kêu ca, dịch vụ công chậm trễ, quản lý xã hội yếu kém, vi phạm pháp luật tràn lan… sẽ là không thành công.

- Xin cám ơn ông!

Phương Thủy thực hiện