Giáo dục

Xây dựng mạng lưới học thuật quốc tế, tạo ra giá trị bền vững

Nhật Hồng 19/07/2025 17:59

Ngày 18/7/2025, Hội thảo khoa học quốc tế về Kinh tế và Kinh doanh (PUBEC 2025) do Trường Kinh tế – Đại học Phenikaa tổ chức, với chủ đề “Quản trị vận hành và chuỗi cung ứng trong thời kỳ mới”, đã quy tụ hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý trong nước và quốc tế.

Không chỉ là diễn đàn học thuật quốc tế uy tín, hội thảo còn góp phần thúc đẩy các giải pháp đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, quản trị và phát triển bền vững – khẳng định vai trò kết nối tri thức và năng lực học thuật toàn cầu của Đại học Phenikaa.

Từ số liệu đến giá trị thực tiễn: PUBEC 2025 kết nối tri thức và đổi mới giáo dục

Quá trình quốc tế hóa không thể đo bằng số lượng hợp tác hay số người nước ngoài tham dự, mà bằng chất lượng kết nối tri thức, bằng năng lực kiến tạo diễn đàn học thuật thực sự có giá trị cho cộng đồng chuyên môn. PUBEC 2025 là một minh chứng rõ nét cho hướng tiếp cận đó.

Thay vì tổ chức theo mô hình "mời cho đủ", PUBEC lựa chọn xây dựng quan hệ học thuật bền vững và cùng phát triển, thông qua việc mời các diễn giả quốc tế là các nhà khoa học hàng đầu không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong hệ sinh thái xuất bản và đổi mới giáo dục.

GS.TS. Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Đại học Phenikaa
GS.TS. Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Đại học Phenikaa

Phát biểu tại phiên khai mạc, GS.TS. Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng Đại học Phenikaa khẳng định: PUBEC 2025 không chỉ là nơi các nhà học giả, các nhà nghiên cứu chính sách, các nhà quản lý trao đổi chuyên môn, học thuật bổ ích mà còn đề xuất những đóng góp mới góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản trị du lịch.

Cùng với đó, PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa, Trưởng ban tổ chức PUBEC 2025, Phó Hiệu trưởng Đại học Phenikaa, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Phenikaa cũng chia sẻ thêm: “Hội thảo PUBEC 2025 về lĩnh vực kinh tế và kinh doanh đã nhận được trên 150 bài nghiên cứu đến từ các tác giả, nhóm tác giả của gần 08 quốc gia (Hoa Kỳ, Đức, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Bulgaria, Indonesia và Việt Nam).

Trong đó, gần 60 bài được chọn lọc để in kỷ yếu và trên 30 bài trong số này được chọn để trình bày trong 11 phiên song song, 04 keynote speakers/invited talk trong hai phiên tổng thể. Gần 50% số bài nghiên cứu và các tác giả đến từ các đơn vị ngoài Đại học Phenikaa. Điều này cho thấy sức hút của hội thảo cũng như vị trí của Đại học Phenikaa đối với cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế.”

PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa, Trưởng ban tổ chức PUBEC 2025, Phó Hiệu trưởng Đại học Phenikaa, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Phenikaa
PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa, Trưởng ban tổ chức PUBEC 2025, Phó Hiệu trưởng Đại học Phenikaa, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Phenikaa

Học thuật liên ngành – Cách tiếp cận của nền đại học đương đại

PUBEC 2025 đã quy tụ những diễn giả có ảnh hưởng sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, quản trị và giáo dục, không chỉ mang tầm quốc tế mà còn có khả năng tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong tư duy và chính sách.

GS.TS. Cihan Cobanoglu, Hiệu trưởng Đại học Virscend (California, Hoa Kỳ), chuyên gia hàng đầu về công nghệ trong giáo dục và du lịch – khách sạn, đã chia sẻ với chủ đề “Chiến lược học tập trải nghiệm trong giáo dục kinh doanh thời đại AI”. Ông đã đặt lại câu hỏi về sứ mệnh của giáo dục đại học: liệu học thuật chỉ có giá trị khi kết nối trực tiếp với thực tiễn? Câu trả lời nằm trong mô hình trải nghiệm mà ông phát triển, nơi sinh viên không chỉ học mà còn làm việc, đối thoại và sáng tạo trong một môi trường toàn cầu thực tế.

GS.TS. Cihan Cobanoglu, Hiệu trưởng Đại học Virscend (California, Hoa Kỳ)
GS.TS. Cihan Cobanoglu, Hiệu trưởng Đại học Virscend (California, Hoa Kỳ)

GS.TS. Wendy Phillips, Giáo sư về đổi mới tại Đại học West of England, Vương quốc Anh, đã chia sẻ về "Tương lai của chuỗi cung ứng y tế". Bà đã phản ánh sâu sắc về sự mong manh của chuỗi cung ứng sức khỏe trong các khủng hoảng toàn cầu, từ dịch bệnh đến xung đột. Tham luận của bà là một lời cảnh báo chiến lược, nhấn mạnh sự chuyển dịch từ tư duy tối ưu hóa sang tư duy thích nghi, và từ mô hình tập trung sang mô hình sản xuất – phân phối phi tập trung trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

GS.TS. Wendy Phillips, Giáo sư về đổi mới tại Đại học West of England, Vương quốc Anh
GS.TS. Wendy Phillips, Giáo sư về đổi mới tại Đại học West of England, Vương quốc Anh

GS.TS. Jörn Hendrich Block, Giáo sư chuyên ngành Quản lý kinh tế tại Đại học Trier (Đức) và Tổng biên tập Tạp chí Management Review Quarterly, đã nhấn mạnh vai trò của các tổng quan tài liệu như một cơ chế “gắn kết hệ sinh thái nghiên cứu”, đồng thời là công cụ để phản biện học thuật và định hình các chương trình nghiên cứu mới. Bài trình bày của ông, với chủ đề “Các hình thức tổng quan tài liệu: Đã lỗi thời hay vẫn còn giá trị?”, đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về phương pháp luận – một yếu tố thường bị bỏ qua trong bối cảnh chạy theo kết quả nhanh.

GS.TS. Gareth Edwards, Giáo sư Lãnh đạo tại Đại học West of England (Anh) và Đồng Tổng biên tập tạp chí Leadership, với kinh nghiệm dày dặn trong việc xuất bản và làm việc với các tạp chí học thuật hàng đầu thế giới, đã chia sẻ về “mặt sau” của học thuật: xuất bản không chỉ là kết quả, mà còn là một phần quan trọng của quá trình phát triển tư duy nghiên cứu. Bài trình bày của ông, với chủ đề “Xuất bản trên tạp chí học thuật chất lượng cao: Điều cần lưu ý”, đã cung cấp những góc nhìn sâu sắc về quy trình này.

Bên cạnh các phiên báo cáo toàn thể (plenary sessions), hội thảo còn tổ chức nhiều tiểu ban chuyên đề xoay quanh các chủ đề nổi bật như: Quản trị rủi ro và khủng hoảng, Quản trị sản xuất và vận hành, Quản trị logistics và chuỗi cung ứng, Quản trị du lịch và dịch vụ, cùng với Quản trị kinh doanh và phát triển bền vững.

Với 12 phiên song song, hội thảo chạm tới nhiều lĩnh vực như logistics, chuỗi cung ứng, xuất khẩu, ESG, du lịch, marketing, hành vi tiêu dùng, khởi nghiệp, kinh tế số… Điều đáng nói không chỉ nằm ở sự đa dạng chủ đề, mà ở phương thức tiếp cận: các báo cáo đều xoay quanh các vấn đề hiện thực – từ chính sách địa phương đến rủi ro toàn cầu – dưới lăng kính nghiên cứu có cơ sở lý luận vững và số liệu thực chứng.

Các nghiên cứu tại hội thảo đến từ nhiều quốc gia và tổ chức khác nhau: từ Việt Nam, Anh, Đức, Indonesia… với sự hiện diện của các nhà nghiên cứu trẻ, cho thấy một thế hệ học giả mới đang hình thành – gắn bó với thực tiễn bản địa nhưng tư duy toàn cầu.

pka09983.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Chiến lược học thuật gắn với phát triển tổ chức

Việc tổ chức PUBEC không tách rời khỏi chiến lược phát triển dài hạn của Trường Kinh tế Phenikaa – trong đó học thuật không chỉ là giảng dạy hay công bố, mà là nền tảng để nhà trường kiến tạo giá trị cộng đồng và phát triển bền vững. Hội thảo là nơi kiểm thử năng lực nghiên cứu, là môi trường để học hỏi quy chuẩn quốc tế và là bước đệm cho các hợp tác học thuật chiến lược.

PGS.TS Trần Thị Minh Hòa – Hiệu trưởng Trường Kinh tế Phenikaa – nhận định thêm:“Chúng tôi không coi hội thảo là điểm đến một lần. PUBEC là một hành trình – nơi các ý tưởng được hình thành, thử thách và lan tỏa. Chúng tôi chọn cách phát triển chiều sâu, xây nền vững chãi thay vì đi nhanh theo chiều rộng.”

pka00046-enhanced-nr.jpg
Các đại biểu và sinh viên tham dự hội nghị

PUBEC không được tạo ra để trở thành một sự kiện danh nghĩa. Hội thảo này là kết quả của một chuỗi nỗ lực – từ xây dựng hạ tầng học thuật, nâng cao chất lượng giảng dạy, đến mở rộng mạng lưới quốc tế. Nó phản ánh cam kết của Đại học Phenikaa trong việc kiến tạo một không gian đại học có chiều sâu học thuật và năng lực kết nối khu vực với các diễn đàn tri thức toàn cầu.

Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, PUBEC là minh chứng sống động cho cách tiếp cận hội nhập – sáng tạo – bền vững, mà Đại học Phenikaa đang kiên định theo đuổi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xây dựng mạng lưới học thuật quốc tế, tạo ra giá trị bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO